Hà Nội đặt mục tiêu 50% DNVVN kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT vào năm 2025

Trong 5 năm tới, Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu phát triển thương mại điện tử cả về quy mô thị trường, hạ tầng dịch vụ và nguồn nhân lực chất lượng cao; phấn đấu 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử (TMĐT) năng động nhất, nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp từ thứ hai trong cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI). Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021 – 2025 vừa phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C sẽ chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025, tăng trưởng trung bình 2% hàng năm.

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT

Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đạt 50%. Trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% và 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, Hà Nội cũng phấn đấu 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 90% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng. Từ đó, giữ vững thứ hạng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT (EBI) hàng năm.

Để thực hiện được các mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Cụ thể, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR Code,… đảm bảo an ninh an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch TMĐT.

Hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử có uy tín trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng thương mại điện tử trong các lĩnh vực như: du lịch, đặt phòng khách sạn, tour trực tuyến, thực hiện số hóa một số điểm đến du lịch bằng giao diện 3D, công nghệ thực tế ảo.

Hình thành, phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử: 10.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-50-dnvvn-kinh-doanh-tren-san-giao-dich-tmdt-vao-nam-2025-d177834.html