Hà Nội đặt nhiều mục tiêu trong xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử

Giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu quốc gia thông qua trục liên thông văn bản quốc gia; đảm bảo hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố ổn định, bảo mật thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 của thành phố Hà Nội.

Theo kế hoạch vừa ban hành, giai đoạn 2019 - 2020, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu từng bước xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; đảm bảo kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia thông qua trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ TT&TT. Đảm bảo hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố ổn định, an toàn, bảo mật thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính.

100% cơ quan nhà nước của thành phố kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố.

Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến thực hiện mức độ 3, 4, trong đó, tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; Cổng dịch vụ công thành phố cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được gửi, nhận văn bản điện tử với bộ, ngành, cơ quan trung ương thông qua hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử thành phố; tối thiểu 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc của sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử ứng dụng họp trực tuyến từng bước thay thế họp truyền thống tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và cấp xã.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố tiếp tục phát triển các hệ thống nền tảng, cơ sở dữ liệu cốt lõi phát triển chính quyền điện tử trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và của các bộ, ngành…

Cũng trong kế hoạch này, UBND thành phố yêu cầu, trong triển khai thực hiện kế hoạch hành động phải đồng bộ, thống nhất, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng theo yêu cầu; phù hợp lộ trình, định hướng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội. Đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kiến nghị, tham mưu kịp thời.

D.V

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/chinh-phu-dien-tu/ha-noi-dat-nhieu-muc-tieu-trong-xay-dung-va-trien-khai-chinh-phu-dien-tu-190168.ict