Hà Nội: Đất nông trường bị 'xẻ thịt', xây nhiều công trình trái phép

Không ít nông trường ở Hà Nội đang 'mọc' lên nhiều nhà ở, nhà xưởng, cơ sở dịch vụ trái phép.

Viện dưỡng lão “mọc” trên đất trồng chè của Nông trường Long Phú

Viện dưỡng lão “mọc” trên đất trồng chè của Nông trường Long Phú

Hà Nội hiện có hàng chục nông, lâm trường, trạm trại với diện tích hàng chục nghìn ha. Trong số này, không ít nông trường đang “mọc” lên nhiều nhà ở, nhà xưởng, cơ sở dịch vụ trái phép.

Nông trường thành viện dưỡng lão

Nông trường Long Phú trực thuộc Bộ NN&PTNT do Công ty TNHH Nhà nước MTV Chè Long Phú (nay là Công ty CP Chè Long Phú) quản lý, nằm trên địa giới hành chính xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Từ trước năm 1980, Chè Long Phú được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao hơn 465ha đất, sau đó công ty đã ký hợp đồng giao khoán đất cho các cán bộ, công nhân viên để trồng chè.

Thế nhưng, ghi nhận những ngày cuối tháng 5/2020, thay vì triển khai trồng chè theo đúng mục đích sử dụng đất, nông trường Long Phú xuất hiện hàng chục ngôi nhà ở, nhà xưởng kiên cố với khung sắt mái tôn mọc lên san sát. Hàng nghìn mét vuông đất chè được thay bằng thảm bê tông dày hàng chục cm.

Đặc biệt, nằm bên tay trái trục đường chính vào nông trường, cách mặt đường QL21A khoảng 500m, “mọc” lên một viện dưỡng lão 4 tầng, mỗi tầng khoảng 600 m2/sàn, chuẩn bị được đưa vào sử dụng.

Ngoài việc nhiều hộ dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng, đất nông trường còn được rao bán rầm rộ, công khai trên mạng.

Theo một số quảng cáo, giá đất tại đây dao động từ 350 - 600 nghìn đồng/m2. Liên hệ vào một số điện thoại của chủ đất có số đuôi 776, người này cho biết, lô đất đang bán có diện tích 2.108m2, bao gồm: 228m2 đất ở, 228m2 đất vườn, còn lại là đất trồng chè. Giá bán cào bằng 600.000 đồng/m2 không phân biệt loại đất, giá đã bao gồm cả phí chuyển nhượng, sang tên.

Dù chưa có quy hoạch, chuyển đất nông trường sang đất ở, nhưng để dễ dàng bán đất, chủ đất khẳng định như “đinh đóng cột”: “Đất đã được quy hoạch cải tạo mô hình trang trại nhà vườn, xã đã đi đo đạc, chuẩn bị làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ)”.

Khi được hỏi về cách thức sang tên, chủ hộ này cho hay: “Sau khi thỏa thuận xong mình sẽ liên hệ, nhờ Công ty Chè Long Phú làm thủ tục nhận trả đất, sau đó ký hợp đồng giao khoán sang tên chủ mới”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại đồi M3 thuộc thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội khi mới đây, người dân thôn Hoàng Long phát hiện hàng loạt công trình xây dựng trái phép. Anh Nguyễn H., người dân thôn Hoàng Long cho biết, khu vực đồi M3 rộng hàng trăm ha trước đây được giao cho Xí nghiệp gà giống trứng dòng thuần Ba Vì quản lý với mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Sau đó, Xí nghiệp chuyển nhượng hàng chục ha đất cho một số cá nhân. Tuy nhiên khi nhận chuyển nhượng họ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hàng loạt công trình trái phép.

Ông Quách Mạnh Cường, công chức địa chính xây dựng xã Tản Lĩnh thừa nhận tại khu vực đồi M3 có tổng cộng 12 công trình nhà ở trái phép. Trong đó, 11 công trình đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Theo ghi nhận của PV, ngoài hai nông trường trên, tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng còn diễn ra ở nhiều các nông trường khác như: Đất nông, lâm trường của Công ty cổ phần Việt Mông tại xã Yên Bài; Nông trường nghiên cứu Giống bò và đồng cỏ, xã Vân Hòa thuộc huyện Ba Vì. Nông trường 1A (đã giải thể), quy hoạch thành Đại học Quốc gia Hà Nội, thuộc xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất)...

“Đá bóng trách nhiệm”

Khi nông trường, trạm trại giải thể hoặc sáp nhập, diện tích đất trồng cây chưa giao cho ai thì phải trả về cho địa phương. Đối với diện tích đã giao khoán thì giao hồ sơ cho địa phương quản lý. Nếu diện tích đã giao phù hợp với quy hoạch thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép hoặc đăng ký đất đai với trường hợp không phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước. Chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Kể từ năm 2008, mua bán, chuyển nhượng đất hợp pháp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Ngay sau khi người dân và báo chí phản ánh, đại diện UBND huyện Ba Vì đã khẳng định, sẽ thực hiện cưỡng chế tình trạng vi phạm luật đất đai và trật tự xây dựng tại đồi M3. Trong khi đó, các bên liên quan tại nông trường Long Phú lại đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.

Ông Đỗ Đình Ngọc, Giám đốc Công ty CP Chè Long Phú khẳng định, tháng 7/2018, công ty đã bàn giao 250ha đất với hơn 2.000 hộ về địa phương. Trong diện tích đất giao khoán, mỗi hộ gia đình được giao 250m2 đất ở, được phép làm nhà. “Việc xây lấn, chiếm thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Không phải trách nhiệm của công ty”, ông Ngọc nói.

Trường hợp viện dưỡng lão xây dựng trái phép, ông Ngọc cũng khẳng định không liên quan vì trước đó, các hộ dân ở đây chỉ xây nhà ở, công ty không ký hợp đồng mua bán mà chỉ ký hợp đồng giao khoán. “Trong thời gian người dân sử dụng, người dân xin chấm dứt hợp đồng và chuyển cho người mới thì công ty thực hiện chuyển. Không có chuyện mua bán”, ông Ngọc khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch lại khẳng định: “Không có tình trạng xây dựng nhà xưởng tại đất nông trường, chỉ có người dân chuyển từ trồng chè sang chăn nuôi”.

Trả lời về việc xây dựng viện dưỡng lão, ông Thuận khẳng định được xây từ trước khi Công ty chè Long Phú bàn giao (năm 2015) về cho địa phương. “Địa phương đã yêu cầu dừng xây dựng. Thế nhưng hiện nay, công trình cơ bản đã hoàn thành”, ông Thuận nói và “kêu” khó quản lý đất nông trường vì khi giao đất, chỉ giao chung chung, không ghi rõ chỗ nào được xây dựng nhà ở, chỗ nào là đất làm vườn.

Để làm rõ thêm thông tin, PV Báo Giao thông đã cố gắng liên hệ làm việc với ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội và ông Vũ Xuân Tùng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai TP Hà Nội nhưng đều không nhận được hồi âm.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, câu chuyện đổi mới nông, lâm trường đã thực hiện nhiều năm nay, nhưng làm không quyết liệt, không rõ phần nào giao lại cho địa phương, phần nào còn lại của nông, lâm trường dẫn đến tình trạng không ai quản. “Để khắc phục được thì cần phải có phân định rõ ràng”, ông Võ nói.

Nguyễn Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-dat-nong-truong-bi-xe-thit-xay-nhieu-cong-trinh-trai-phep-d468021.html