Hà Nội đẩy mạnh đối thoại, tạo đồng thuận từ cơ sở

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp được triển khai trong không khí dân chủ, cởi mở.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội tặng bằng khen cho các đơn vị thực hiện tốt công tác đối thoại.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội tặng bằng khen cho các đơn vị thực hiện tốt công tác đối thoại.

Ngày 28/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Thành ủy ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy đã góp phần giải quyết nhiều việc khó, tạo đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố. Từ năm 2017 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức được 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội cán bộ, đoàn viên, hội viên và tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Cấp quận, huyện, thị xã định kỳ tổ chức được 210 hội nghị và cấp xã, phường, thị trấn tổ chức được 2.984 hội nghị với hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Các ý kiến đối thoại tập trung về tình hình phát triển kinh tế-xã hội; việc thực hiện công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế.

Tại hội nghị, tham luận của các địa phương đều khẳng định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU đối với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nắm bắt và kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Thông qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp; huy động sức mạnh tổng hợp, sự chung tay của nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị và thành phố.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, Quy chế đối thoại đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động nền nếp, thường xuyên của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế cần sớm khắc phục như: công tác tuyên truyền về nội dung Quyết định tại một số nơi còn chưa được coi trọng; một số nơi còn lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức thực hiện; việc tổ chức đối thoại có lúc còn hình thức, vẫn có tâm lý né tránh, ngại va chạm đối với các nội dung phức tạp.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Quyết định nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và nhân dân về thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại.

Các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia tiếp xúc, đối thoại; trong đó đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của nhân dân.

Các cấp, ngành đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp hiệu quả, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, nắm tình hình, từ đó phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-day-manh-doi-thoai-tao-dong-thuan-tu-co-so-post722174.html