Hà Nội: Đẩy mạnh giáo dục di sản trong các trường học

Chiều 19-9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản trong các trường học.

Các đại biểu ký kết hợp tác giáo dục di sản cho học sinh Thủ đô.

Để gắn kết di sản với cộng đồng, hướng tới mục tiêu khách tham quan, đặc biệt là khách tham quan nhỏ tuổi yêu mến di sản, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xây dựng các hoạt động giáo dục di sản bổ ích cho các em học sinh.

Tính riêng trong năm 2017, đã có gần bốn nghìn em học sinh được trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long. Ngoài ra, hơn 18.000 em nhỏ được trải nghiệm các chương trình Trung Thu truyền thống và Tết Việt tại khu di sản và hàng vạn học sinh đã tham quan khu di sản theo chương trình thông thường.

Qua việc ký kết hợp tác với ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trên cơ sở của việc ký kết hợp tác, các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đưa học sinh tới học tập, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long vào những thời gian thích hợp trong năm học. Đây là chương trình ngoại khóa gắn với bộ môn lịch sử địa phương.

Về phía Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa, Trung tâm đã xây dựng chương trình “Em tìm hiểu di sản” dành cho học sinh các cấp với nhiều trải nghiệm bổ ích như tham quan, học lịch sử qua các chuyên đề, giao lưu cùng các nhà sử học; tham gia các hoạt động tương tác truyền thống như dán quạt, vẽ gốm, in tranh dân gian… Hay chương trình chuyên đề “Em làm nhà khảo cổ” dành cho học sinh Tiểu học – một chương trình chuyên sâu với các trải nghiệm thực tế như đào khảo cổ, dập hoa văn hiện vật, vẽ hoa văn lên hiện vật…, giúp các em rèn luyện kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm và rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ…

Sự hợp tác này giúp học sinh Thủ đô có điều kiện trải nghiệm di sản, qua đó, thêm gắn bó, tự hào về truyền thống văn hiến nghìn năm của Hà Nội.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/37666402-ha-noi-day-manh-giao-duc-di-san-trong-cac-truong-hoc.html