Hà Nội: Đẩy mạnh phân luồng trong tuyển sinh đầu cấp năm 2019

Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng đề án phân luồng sau THCS trình TP phê duyệt. Đó là một trong những điểm mới, điều chỉnh tuyển sinh đầu cấp năm 2019 - 2020 mà ông Phạm Văn Đại, PGĐ Sở GD&ĐT cho biết.

Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS (hết lớp 9) sẽ có một bộ phận vào học cơ sở đào tạo nghề kết hợp học chương trình văn hóa theo hệ giáo dục thường xuyên. Sau 3 năm, học sinh sẽ có hai bằng (tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên và nghề). Một bộ phận khác sẽ vào học các trường THPT.

Năm học mới, sẽ chỉ có 62% số học sinh dự tuyển vào THPT vào trường công lập. Trong số học sinh sẽ hoàn thành chương trình THCS năm nay của Hà Nội, có 11.000 học sinh không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Một phần trong số này rẽ ngang học nghề và học hệ giáo dục thường xuyên, một số khác đăng ký tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập theo phương thức xét học bạ (không thi).

 Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS, giảm áp lực tuyển sinh lớp 10. (Ảnh:T.F)

Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS, giảm áp lực tuyển sinh lớp 10. (Ảnh:T.F)

Sở GD&ĐT cho biết sẽ nghiêm túc yêu cầu các trường ngoài công lập không được thông báo nhiều mức điểm chuẩn khiến phụ huynh rơi vào khủng hoảng. Những trường hợp đã nhập học nhưng muốn rút hồ sơ chuyển nguyện vọng khác, các nhà trường phải tạo điều kiện không được giữ hồ sơ của học sinh gây khó khăn.

Công tác phân luồng được chú trọng cũng là giải pháp để giảm áp lực mang tên “chỗ học cấp 3” cho học sinh và phụ huynh, đồng thời, tạo điều kiện cho các em được học tập theo nguyện vọng, sở trường của bản thân, phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Việc phân luồng học sinh sau THCS dù đã được đẩy mạnh nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn thấp. Kết quả khảo sát tình hình phân luồng học sinh sau THCS năm học 2017-2018 do Bộ GD&ĐT công bố cho thấy, có tới 79,6% học sinh học lên THPT; 5,6% học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), 7,8% học các trường nghề và 4,6% đi làm.

Một số năm gần đây, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên – nghề nghiệp của Hà Nội chỉ tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu được giao, thậm chí có nơi chỉ 30%.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, những học sinh đăng ký theo học hệ 9+, trong quá trình học trung cấp, vẫn được tăng cường học văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, khi tốt nghiệp những học sinh đăng ký theo học hệ 9+ vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức phổ thông, nếu muốn vẫn có cơ hội học tiếp lên CĐ và ĐH sau này. Đặc biệt, khi học liên thông lên chương trình CĐ cùng ngành, nghề, những nội dung đã học sẽ không phải học lại.

Về chính sách, học nghề sớm sau khi tốt nghiệp THCS sẽ được miễn phí và hỗ trợ chi phí học tập do có kinh phí hỗ trợ dưới hình thức “Miễn giảm, cấp bù học phí” theo nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-day-manh-phan-luong-trong-tuyen-sinh-dau-cap-nam-2019-145256.html