Hà Nội để hàng trăm dự án sử dụng đất xảy ra sai phạm

Kết quả giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố đã chỉ ra hàng trăm dự án sai phạm kéo dài nhiều năm mặc dù có sự quản lý của các Sở, ngành Thành phố…

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.

Đơn cử như các dự án Trung tâm thương mại Đền Lừ, quận Hoàng Mai; dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp quận Thanh Xuân; dự án đầu tư Khu văn phòng và nhà ở tại số 2-4 Đội Nhân, quận Ba Đình; dự án Bệnh viện Đa khoa Quang Trung tại quận Hoàng Mai; dự án D’San Raffles tại 22-24 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm; dự án Nam Đàn Plaza (Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí Viễn thông), quận Nam Từ Liêm; dự án xây dựng nhà cao tầng, dịch vụ công cộng kết hợp nhà trẻ, văn phòng cho thuê tại số 28 đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm; dự án Khu đô thị Mỹ Đình 2, Tổng Công ty HUD, quận Nam Từ Liêm; dự án xây dựng nhà ở Văn La, quận Hà Đông…

dự án D’San Raffles tại 22-24 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm là một trong những dự án gây bức xúc trong nhân dân

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm tỷ lệ 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017 với hình thức và mức độ khác nhau, phổ biến vẫn là chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực tế (40 dư án); chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (47 dự án); chậm hoàn thành công tác Giải phóng mặt bằng (22 dự án); chậm nghĩa vụ tài chính (4 dự án). Một số vi phạm khác cũng được chỉ ra như: sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho thuê lại không đúng quy định (37 dự án); chậm do vi phạm nhiều nội dung (11 dự án): Ngoài ra, còn 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Đoàn Giám sát cũng chỉ ra, có 196/480 kết luận thanh tra có vi phạm các quy định của pháp luật, chiếm tỷ lệ 40,8%.

Cùng với đó, Giám sát trực tiếp tại 8 quận, huyện cho thấy có 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc khục, nhiều dự án các quận huyện đề nghị Thành phố thanh tra, lập hồ sơ thu hồi theo quy định, trong đó có cả những dự án đã được thành phố kiểm tra, phát hiện, được HĐND Thành phố kiến nghị từ năm 2012. Giám sát qua bao cáo của 22 quận, huyện thị xã còn lại cho thấy có 172 dự án chậm triển khai.

Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án; Mê Linh 50 dự án; Nam Từ Liêm 48 dự án; Hoàng mai 25 dự án; Bắc Từ Liêm 23 dự án. Cá biệt, một số chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Điển hình như Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội với dự án mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế tại quận Từ Liêm, Công ty Thủ đô II với dự án khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng, Công ty Cổ phần dịch vụ bảo vệ Việt Nam với dự án xây dựng trường huấn luyện, đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, Công ty TNHH Phát triển giáo dục với dự án Trường mầm non Đồng Tàu tại quận Hoàng Mai…

“Trách nhiệm chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã và của các chủ đầu tư đói với những dự án chủ đầu tư không liên hệ, phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai, thực hiện dự án” - báo cáo Giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố chỉ rõ.

Đoàn Giám sát nhấn mạnh, qua khảo sát thực địa tại 7 quận, huyện cho thấy thực trạng các dự án chậm triển khai, vi phạm đất đai nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân cần được Thành phố đặc biệt quan tâm, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ và xử lý theo quy định.

Trong số đó, một số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, xây dựng khu đô thị mới đã thực hiện huy động vốn từ các đối tác tham gia hợp tác đầu tư hoặc từ người mua nhà nhưng chậm thực hiện, không bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định trật tự xã hội và “trách nhiệm này thuộc về các chủ đầu tư dự án và Sở Xây dựng”.

Đáng chú ý, việc tổng hợp, thống kê, cập nhật theo dõi dự án vốn ngoài ngân sách triển khai trên dịa bàn còn rất hạn chế. Đoàn Giám sát tổng hợp số dự án chậm, có dấu hiệu vi phạm luật Đất đai theo báo cáo của 30/30 quận, huyện cho thấy có sự sai khác lớn với báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường. Theo đó, tổng hợp từ các quận huyện cho thấy có tới 383 dự án chậm, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, nhưng Sở Tài nguyên Môi trường báo cáo chỉ có 161 dự án; Sở Xây dựng báo cáo có 119 dự án nhà ở chậm quá 24 tháng; sở Kế hoạch Đầu tư thì báo cáo có 115 dự án triển khai chậm, trong đó chỉ có 28 dự án chậm quá 24 tháng; Sở Quy hoạch Kiến trúc thì báo cáo có 23 dự án không có thông tin…

Đoàn Giám sát cũng chỉ ra, số dự án được điều chỉnh, gia hạn, trong đó có điều chỉnh về tiến độ triển khai dự án vẫn còn lớn. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 có đến 194 dự án được điều chỉnh trên tổng số 634 dự án có sử dụng dất được Thành phố chấp thuận triển khai, chiếm tới 30,6%.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201808/ha-noi-de-hang-tram-du-an-su-dung-dat-xay-ra-sai-pham-612210/