Hà Nội: Đề nghị xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công

Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, ngày 23/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, đã báo cáo, giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu góp ý đối với 5 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công và tài sản công.

Kết quả tổng hợp thảo luận tại các tổ, có 110 lượt đại biểu phát biểu với 166 ý kiến trực tiếp. Về cơ bản, các đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho Hội nghị. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, các đại biểu cơ bản tán thành với các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Các đại biểu cũng cơ bản đều tán thành với kết cấu, bố cục và nội dung của các tờ trình, báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến về kết quả, hạn chế và đặc biệt là phương hướng, giải pháp để hoàn thiện các chương trình, nhiệm vụ công tác của Thành phố.

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải đã thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu để chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện các nội dung trình Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố.

Ông Hà Minh Hải cũng giải trình làm rõ thêm 7 nhóm kiến nghị các đại biểu quan tâm, gồm: Công tác xây dựng, chuẩn bị các tờ trình, báo cáo; tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch năm 2023; nguồn lực và phân bổ nguồn lực; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ và tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công; đề án quản lý tài sản công.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch năm 2023, nhiều đại biểu đề nghị đánh giá kỹ bối cảnh khó khăn và kết quả đạt được của năm 2022. Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, Thành phố cùng lúc triển khai nhiệm vụ của năm 2022 với khối lượng công việc lớn, vừa thực hiện nhiều nhiệm vụ cho trung và dài hạn như: Tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; tổng kết Luật Thủ đô; triển khai Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, các địa bàn để xây dựng và triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền; triển khai kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa...

Theo ông Hà Minh Hải, bài học kinh nghiệm đem lại thành công năm 2022 là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của đồng chí Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. Đó là bài học về tầm nhìn, xác định mục tiêu, xác định trọng tâm, trọng điểm, đột phá của đột phá; phải luôn lắng nghe, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng; đồng thời phải sâu sát, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, và thực chất; lấy hiệu quả và kết quả cuối cùng bằng sản phẩm cụ thể để đánh giá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, nhiều đại biểu đã phân tích làm rõ một số hạn chế, tồn tại, từ đó đề ra phương hướng và giải pháp cho năm 2023.

Cụ thể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành của Thành phố và giữa các sở, ban, ngành với các quận, huyện, thị xã bộc lộ nhiều hạn chế; còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh của người đứng đầu một số đơn vị. Có hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính; sự chậm trễ trong việc thực hiện các kết luận của thanh tra và Kiểm toán Nhà nước; việc chậm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); nhiều việc tồn đọng kéo dài...

Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Từ thực tiễn và dự báo tình hình năm 2023, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, ý kiến của các đại biểu thống nhất nhận định cho rằng có nhiều khó khăn hơn so với năm 2022. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đầu tư công.

Về Đề án quản lý tài sản công, theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, cơ bản các đại biểu đều thống nhất, đánh giá cao về sự cần thiết, tầm quan trọng của Đề án, đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung và đề ra một số giải pháp.

Trong đó, xác định việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn thiếu các chính sách pháp luật để quản lý hiệu quả, các ý kiến đều thống nhất yêu cầu bổ sung, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả và kịp thời xử lý các vi phạm.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, các đại biểu đề nghị số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công; từ đó, để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. Nhiều đại biểu đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một số hạng mục là các tài sản công khác như: Tài sản hợp tác xã; chợ; bến, bãi đỗ xe và kể cả tài sản công phi vật thể.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-de-nghi-xay-dung-phan-mem-de-quan-ly-toan-bo-tai-san-cong-149102.html