Hà Nội đề xuất thống nhất 3 màu sơn taxi: Liệu có phân biệt đối xử với xe ngoại tỉnh?

Không ít ý kiến thẳng thắn rằng, việc làm này sẽ làm mất thương hiệu, hình ảnh của các doanh nghiệp vận tải taxi. Đồng thời, việc phân vùng, phân màu áo đồng nghĩa cơ quan quản lý Hà Nội phân biệt với taxi ngoại thành, ngoại tỉnh.

Hà Nội đang xây dựng Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe taxi trên địa bàn. Một trong những điểm nhấn của Quy chế là dự kiến thống nhất 3 màu sơn cố định là xanh, ghi bạc và trắng cho xe hoạt động trên phạm vi nội thành và ngoại thành, trong giai đoạn từ 2019 – 2025. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động, đấu giá quyền khai thác, dùng chung phần mềm quản lý…

Chỉ nói riêng về đề xuất thống nhất 3 màu sơn của taxi, theo thống kê cho thấy, có hơn 80 hãng taxi hoạt động trên địa bàn Hà Nội thì mỗi hãng mang một màu sắc khác nhau, chưa kể màu sơn xe taxi ngoại tỉnh, khiến khách hàng khó phân biệt đâu là taxi “chuẩn” và đâu là “taxi dù”.

Vì vậy, đề xuất quy định màu “áo” cố định cho xe taxi, được dư luận cho là rất cần thiết. Việc làm này không những xây dựng hình ảnh văn minh, hiện đại của Thủ đô nói chung, hình ảnh taxi Thủ đô nói riêng, mà còn được coi là tiền đề để thực hiện đề án quản lý giao thông, hạn chế phương tiện tại khu vực nội đô.

Đề xuất gây tranh cãi trong mảng quản lý taxi ở Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến thẳng thắn rằng, việc làm này sẽ làm mất thương hiệu, hình ảnh của các doanh nghiệp vận tải taxi. Đồng thời, việc phân vùng, phân màu áo đồng nghĩa cơ quan quản lý Hà Nội phân biệt với taxi ngoại thành, ngoại tỉnh.

Anh Nguyễn Hữu Thanh (34 tuổi), lái xe taxi tại Phú Thọ cho biết: “Việc quy định màu sơn cho taxi chẳng khác nào quay về mô hình quản lý hợp tác xã. Hà Nội đang phân biệt đối xử với taxi ngoại tỉnh, vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Tôi có thể đưa ra ví dụ như tôi đã trải qua là khi đưa khách vào khu vực sân bay Nội Bài, taxi ngoại tỉnh vẫn phải trả tiền đỗ xe nhưng không hề được đỗ trong phạm vi sân bay, hành khách muốn đón xe “thân quen”, hoặc “xe nhà” để về các tỉnh thì phải đi bộ ra xa phạm vi sân bay mới có thể đón xe. Đó chẳng phải là sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp taxi ngoại tỉnh hay sao?”.

Ông Trần Bình Thanh (55 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Các quy định trong quy chế chẳng khác nào đưa một bàn tay vô hình vào cơ chế thị trường trong ngành vận tải taxi. Việc can thiệp mạnh vào nền kinh tế với ngạch vận tải như hiện nay là sự “tắc nghẽn” trong tiến trình phát triển nền kinh tế thị trường. Theo tôi, hãy nên để doanh nghiệp tự do cạnh tranh, tự do phát triển. Nhà nước chỉ nên can thiệp khi sự cạnh tranh đó không lành mạnh”.

Đồng phục taxi từng gây tranh cãi ở Hà Nội.

Cũng theo ông Thanh, việc nghiên cứu cho ra đời 1 ứng dụng hoạt động taxi chung cho tất cả các hãng theo các bước tiến công nghệ là điều cần thiết trong trước mắt. Ứng dụng này cho phép báo giá của tất cả các hãng khi nhập điểm đến, điểm đi. Đồng thời, cũng chọn lọc được những taxi không chở khách, đang trong quá trình trở về hoặc đang lưu thông lân cận… cho khách hàng tự do lựa chọn.

Trao đổi với PV, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Cty Vận tải TM&DV Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết: “Cơ quan quản lý nhà nước không thể tước quyền phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp. Vì vậy, nếu quy hoạch, xây dựng hay lập lại trật tự trong hoạt động vận tải thì phải có hành lang pháp lý cụ thể. Hiện trên cộng đồng đang rất xôn xao về hoạt động của Grab, Uber. Cho nên, nếu lập lại trật tự quản lý hoạt động taxi thì cần dựa trên ý kiến đồng thuận cao của người dân”.

Hiện trên địa bàn thành phố có trên 19.000 xe taxi, thuộc quản lý của 77 doanh nghiệp. Theo lộ trình đã được phê duyệt, đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển số lượng taxi lên 25.000 xe. Được biết, Đề án quản lý hoạt động taxi đang được lấy ý kiến để bổ sung hoàn thiện và chưa chốt thời điểm ban hành.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-de-xuat-thong-nhat-3-mau-son-taxi-lieu-co-phan-biet-doi-xu-voi-xe-ngoai-tinh-20181120144015038.htm