Hà Nội: Điểm sáng về bảo tồn di sản ca trù

Sau 10 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể, đến nay ca trù đã có bước phát triển đáng kể. Trong đó Hà Nội là điểm sáng về bảo tồn ca trù. Ca trù Hà Nội đang dẫn đầu về mặt tổ chức, nghiên cứu và số nghệ nhân tài năng. Số câu lạc bộ cũng tăng theo thời gian, cùng với đó là đội ngũ được trẻ hóa, đưa ca trù ngấm sâu vào tiềm thức người dân Thủ đô và du khách.

Ca trù Hà Nội - điểm sáng về bảo tồn

Ca trù Hà Nội - điểm sáng về bảo tồn

Từ khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố Hà Nội đã có động thái tích cực giúp di sản ca trù không những được “hồi sinh” mà còn được bảo tồn một cách bền vững. Bên cạnh chú trọng truyền dạy lớp trẻ kế cận, thành phố Hà Nội đang tích cực tổ chức thực hành ca trù nhằm làm mới loại hình nghệ thuật truyền thống này để ca trù mang hơi thở cuộc sống đương đại và đến gần hơn với công chúng.

Ca trù là một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học

Nhiều CLB và nhóm ca trù đang hoạt động tại Hà Nội

Hà Nội hiện có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, với hơn 50 người có khả năng truyền dạy, hơn 220 người thực hành. Hiện cũng có hàng trăm người theo học và còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ. Tuy nhiên, để đào tạo được 1 ca nương biểu diễn phục vụ người dân Thủ đô và khách du lịch đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Để trở thành một đào nương chính thức, người ca nương phải trải qua một đợt tuyển chọn với rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe: Giọng hát phải hay, có năng khiếu về thẩm âm, gõ phách, có sự hiểu biết về âm nhạc, thơ văn, lòng đam mê nghệ thuật và đặc biệt là tính kiên trì học hỏi…

Ca nương, nữ hát chính trong ca trù

Nhạc công là “kép” chơi đàn đáy

Quan viên đánh trống chầu

Lý giải về vấn đề này, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Bích Câu đạo quán- Nghệ nhân Ưu tú Vân Mai cho biết: Đào tạo 1 ca nương phải khổ luyện mất 3 đến 5 năm mới có thể hát thành thạo được 1 số làn điệu khó của ca trù. Hát ca trù khó nhất là cách ém hơi, nhả tròn vành rõ chữ và “nẩy hột” đặc trưng của lối hát này.

Trong 5 năm qua, CLB Bích Câu đạo quán của bà Vân Mai đã đào tạo miễn phí cho rất nhiều các bạn yên mến nghệ thuật ca trù. Bà tâm sự: Chúng tôi dạy miễn phí cho các học viên, còn các chi phí khác chúng tôi cùng tự lo; và vì lòng yêu nghệ thuật ca trù mà những người trong CLB Bích Câu quyết tâm theo đuổi.

Ca nương phải tuyển chọn với rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe

“Nẩy hột” mới ra chất của ca trù

Bà Vân Mai cho biết thêm, tại các lớp học, nếu phát hiện những học viên nào có năng khiếu và đam mê bà sẽ đưa họ vào nhóm tiềm năng đào tạo họ trở thành chuyên nghiệp. Theo bà đây sẽ là những lớp kế cận để thay thế mình trong tương lai, truyền dạy lại nghệ thuật ca trù cho thế hệ mai sau. Một trong những học viên xuất sắc của CLB Bích Câu là chị Trần Chinh, chị đến với nghệ thuật ca trù như là cái duyên. Sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật truyền thống, cho nên ngay từ bé đã nuôi dưỡng tâm hồn yêu nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh gần 50 tuổi chị mới đến với nghệ thuật ca trù. Từ khi sinh hoạt trong CLB ca nhạc dân gian truyền thống gặp nghệ nhân Ưu tú Vân Mai nghe hát và biểu diễn chị Chinh có cảm giác như có gì đó thôi thúc mình thích và muốn tìm hiểu. Lúc đầu chỉ là thích thôi nhưng càng học, càng tìm hiểu chị càng thấy yêu nghệ thuật ca trù hơn. Được cô Vân Mai động viên và truyền lửa, đến nay chị có thể biểu diễn thành công 1 số bài hát khó và trở 1 trong những học trò cưng, là thành viên của CLB Bích Câu. Chính vì niềm say mê ca trù mà 3 năm nay tuy nhà tận Ba La (Hà Đông) nhưng không tối thứ 7 nào chị vắng mặt tại 14 Cát Linh - CLB Bích Câu để sinh hoạt và biểu diễn cho khán giả đến nghe.

Khán giả được xem và thưởng thức ca trù

Ca trù mang hơi thở cuộc sống và ngày càng đến gần với công chúng

Vẫn biết ca trù là một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học, việc bảo tồn và đưa ca trù đến gần hơn với công chúng đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền địa phương tại cơ sở tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá đưa ca trù vào các tuyến, các điểm du lịch của Thủ đô. Bên cạnh đó, các nghệ nhân tâm huyết cùng với CLB, nhóm ca trù là những cầu nối truyền tải cái hay, độc đáo của ca trù đến với người hâm mộ. Để hàng đêm, trước sân khấu nhỏ, những khán giả yêu thích nghệ thuật ca trù Thủ đô được xem và thưởng thức đặc sản “nảy hột” của ca nương, “tùng tếnh” trầm trầm của đàn đáy cùng nhịp trống phách ngân vang, vang mãi.

Tiệp-Lan-Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-diem-sang-ve-bao-ton-di-san-ca-tru-120308.html