Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không qua hồi ức của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên

Đã 50 năm trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn còn vang vọng, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Những ngày tháng lịch sử này, đọc cuốn 25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972 mà bác tôi - Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Đình Kiên (1947), nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến- Bộ Tổng tham mưu, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội chịu trách nhiệm Chủ biên, vừa mới xuất bản và cuốn hồi ký Người lính với bầu trời Hà Nội bác ký gửi tặng cho gia đình, tôi càng thêm tự hào, biết ơn sâu sắc về sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước. Trong đó, có bác và cha tôi!

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thăm gia đình Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thăm gia đình Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", bác tôi là sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn Tên lửa phòng không 57 anh hùng, là người trực tiếp tham gia chiến đấu, nhấn nút tiêu diệt 4 máy bay B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời thủ đô Hà Nội. Trong đó, có trận đánh xuất sắc, bắn rơi 2 máy bay B.52 chỉ trong vòng 10 phút, góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm 1972.

Sau những chiến công vang dội với 12 ngày đêm (18 đến 29-12-1972) chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân Mỹ, bảo vệ Hà Nội năm 1972, bác tôi tiếp tục theo đuổi khát vọng được học tập và là học viên khóa đào tạo chính quy đầu tiên của Trường Sĩ quan Phòng không. Sau khi tốt nghiệp, bác ở lại trường làm giảng viên dạy chiến thuật phân đội, một bộ môn thuộc Khoa Xạ kích... Sau khi tốt nghiệp lớp Cao học Quân sự khóa I tại Học viện Quốc phòng, năm 1995, bác được điều động về làm Sư Đoàn phó rồi Sư Đoàn trưởng Sư Đoàn Phòng không Hà Nội, sau đó công tác tại Cục tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu cho đến khi về hưu, vui vầy cùng cháu con tại P. Khương Mai, Q. Thanh Xuân (Hà Nội).

Bìa sách "Người lính với bầu trời Hà Nội" của Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên.

Năm 2012, bác tôi bắt tay vào viết tự truyện "Người lính với bầu trời Hà Nội", ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đọc những trang hồi ký mà bác viết, ký tặng cho cha và gia đình, giúp tôi - thế hệ may mắn được sinh ra lớn lên trong hòa bình - hiểu sâu sắc hơn về những chuyện đời, chuyện tình, chuyện người lính. Đặc biệt, tôi vô cùng xúc động về người lính phòng không- không quân luôn nêu cao tấm gương đạo đức sáng ngời, sự thông minh, lòng quả cảm và những chịu đựng gian khổ, khó khăn trong làn bom đạn ác liệt của đế quốc Mỹ... Càng thêm khâm phục, tự hào và biết ơn sâu sắc về sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước. Trong đó, có bác tôi! "Cả đời bác chưa khi nào viết một bài báo hay một đoạn văn nào. Nhưng vì những người đã mất và cả những người còn sống, nên bác nghĩ cần ghi chép lại những gì cuộc đời mình đã trải qua với mong muốn để lại cho con cháu biết được thế hệ cha ông đã sinh ra, trưởng thành trong những hoàn cảnh như thế nào? Bằng những sự kiện bác đã trải qua trong suốt cuộc đời, bằng trí nhớ, nhưng hơn tất cả là những ghi chép (sáu quyển nhật ký ghi lại những kỷ niệm, những sự việc xảy ra với bác, gia đình, đơn vị trong những năm tháng qua; quyển sổ lưu niệm bạn bè ghi cho bác lúc tốt nghiệp lớp 10; những quyển sổ công tác như những quyển nhật trình ghi lại những ngày tháng bác công tác ở các cơ quan, đơn vị. Tất cả luôn nằm dưới đáy ba lô cùng bác hành quân suốt cả những chặng đường quân ngũ- P.V) và hai năm trời bác ngồi tự đánh máy "mổ cò", đánh vật với những tư liệu, trăn trở nhớ lại những gì đã diễn ra trong đời mình để viết lại các sự kiện thật như vốn có"- bác chia sẻ cho tôi nghe về quá trình viết cuốn hồi ký của mình.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên ký tặng sách cho độc giả.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên - Chủ biên cuốn "25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972".

Về cuốn "25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972" do NXB Quân đội nhân dân phối hợp với Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn Phòng không 361 xuất bản, ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", bác cho hay, được sự thống nhất của Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn Phòng không Hà Nội và Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn, bác được phân công trách nhiệm làm Chủ biên. Cuốn sách là một công trình lịch sử được thống kê rất đầy đủ, chi tiết về 25 trận bắn rơi máy bay B-52 của Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Sư đoàn Phòng không 361). Đó là những kíp chiến đấu, diễn biến cụ thể của từng trận đánh; là lòng quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu của mỗi chiến sĩ phòng không… được bác dày công biên soạn, phân tích tỉ mỉ; trong đó có những trận đánh B-52 oanh liệt mà bác là sỹ quan điều khiển trực tiếp tham gia chiến dịch, trực tiếp nhấn nút tiêu diệt "Siêu pháo đài bay B52". Những phân tích cụ thể, chặt chẽ trên từng phương diện của bác đã giúp tôi cũng như người đọc thấy rõ hơn về ý nghĩa, giá trị và những điều đặc biệt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, mà trực tiếp qua chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", đã trở thành bản hùng ca bất tử; khẳng định sức mạnh của lòng người, sức mạnh của cuộc kháng chiến chính nghĩa; của sự đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc, của sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam chúng ta. "Trong 12 ngày đêm Tiểu đoàn của bác đánh 21 trận, bắn rơi 4 máy bay B-52 và góp phần với Sư đoàn Phòng không Hà Nội bắn rơi 25 B-52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ"- bác kể. Cũng theo bác, lực lượng Tên lửa là nòng cốt của chiến dịch, toàn bộ lực lượng Tên lửa miền Bắc đã bắn rơi 29 chiếc B-52 góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử, tạo thời cơ thuận lợi để ký Hiệp định Paris.

Bìa sách "25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972".

Hơn 40 năm cống hiến trong quân ngũ cũng chừng ấy năm bác gắn cuộc đời mình với sự nghiệp bảo vệ vùng trời Tổ quốc thiêng liêng. Riêng với bầu trời Hà Nội, bác đã tham gia chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc. Danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là phần thưởng vô cùng xứng đáng dành tặng cho bác- Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên. Sau nhiều năm lăn lộn với muôn nẻo đường đời, về với đời thường, bác vẫn luôn giữ cho mình một cuộc sống dung dị, ánh mắt luôn ngời sáng niềm hạnh phúc với nụ cười luôn nở trên môi.

Mỗi dịp lễ Tết, bác về thăm quê (Xóm 1 xã Nghi Liên, TP Vinh, TP Nghệ An), có cơ hội được trò chuyện cùng bác là tôi có cả một trời ký ức về niềm tự hào với tình yêu quê hương đất nước và cả những kỷ niệm ngọt ngào mà bác cùng cha tôi đã trải qua suốt thời thơ ấu.

Thành Chung

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-qua-hoi-uc-cua-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nguyen-dinh-kien-post271486.html