Hà Nội: Độc đáo Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn

Lễ hội đình Kim Ngân là lễ hội trong phố cổ Hà Nội, tại lễ hội đám rước đậm nét truyền thống đi qua các con phố trong sự tò mò và ngạc nhiên của đông đảo du khách và người dân.

Tại những con phố quanh Hồ Gươm, diễn ra hoạt động lễ rước truyền thống quy mô lớn trong khuôn khổ hoạt động Lễ hội đình Kim Ngân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình có sự góp mặt của rất nhiều cá nhân, đơn vị nghề kim hoàn trong nước.

Từ xưa, đình Kim Ngân là nơi người dân làng Châu Khê – làng đúc bạc cổ của Kinh thành Thăng Long – xây dựng để tế lễ Thành hoàng và Tổ sư nghề nghiệp mỗi dịp xuân – thu. Nơi đây là tụ điểm kết nối các cộng đồng thợ nghề kim hoàn từ bốn phương quanh đất Kinh Kỳ, là nơi lưu giữ những giá trị làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa làng xã của khu Kẻ Chợ xưa, góp phần vào sự phong phú của “36 phố phường” Thăng Long – Hà Nội.

Đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương làm quan Thượng thư bộ Lại thời Vua Lê Thánh Tông đã đưa cả làng ra đây làm nghề đúc bạc cho triều đình, xây dựng nên.

Ngày nay, Đình Kim Ngân nằm trên phố Hàng Bạc, được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ là một minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của các phố nghề tại kinh thành Thăng Long xưa. Giai đoạn đầu thế kỷ 20 đến nay, Hàng Bạc là khu phố tập trung sinh sống nhiều người thợ kim hoàn Hà Nội.

Đình có kiến trúc cơ bản gồm: nghi môn, sân, tiền tế, hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ "công", đại đình ba gian, hậu cung ba gian, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc hai tầng mái. Đình còn lưu nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề, thợ kim hoàn tạo nên.

Lễ hội đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc) là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với công đức của các vị Tổ nghề kim hoàn gắn với nghề truyền thống chế tác kim hoàn tại khu phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2023 với nhiều hoạt động gồm: Lễ rước truyền thống từ đình Kim Ngân đi qua các tuyến phố: Hàng Bạc - Hàng Bè - Hàng Dầu - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay - Lê Thái Tổ - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Hàng Đào - Hàng Bạc và về Đình Kim Ngân; lễ khai hội đình Kim Ngân. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Các Làng Nghề tham gia lễ rước. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Lễ rước trình diễn và giới thiệu đậu bạc Định Công, chạm bạc Đồng Xâm, đúc đồng Đại Bái, dát vàng bạc Kiêu Kỵ, … Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Các thiếu nữ múa sênh tiền trên phố Hàng Bạc, một con phố gắn liền với nghề kim hoàn từ xa xưa. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Người dân và du khách chiêm ngưỡng những màn trình diễn văn hóa truyền thống, mang đậm mầu sắc dân gian. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đoàn rước của lễ hội đình Kim Ngân có thể là lớn nhất từ trước đến nay với qui mô một lễ hội truyền thống ở trong khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Kiệu rước ông tổ nghề Kim Hoàn qua Tháp Rùa. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đoàn rước đi qua ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng. Cứ 5 năm một lần vào ngày 22/3 âm lịch, lễ hội truyền thống của đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn được tổ chức trang trọng. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2023 là hoạt động văn hóa sinh động, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về truyền thống yêu nước, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị văn hóa lịch sử quốc gia khu phố cổ Hà Nội, hướng về cội nguồn dân tộc, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với công đức của các vị tổ nghề. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-doc-dao-le-hoi-dinh-kim-ngan-va-hoi-nghe-kim-hoan/288934.html