Hà Nội đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập - kết quả và những vấn đề đặt ra

TCCS - Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là thành phố có số lượng đầu mối đơn vị sự nghiệp và đội ngũ viên chức lớn nhất cả nước. Trong mấy năm qua, Hà Nội thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính. Những kết quả rất đáng khích lệ đạt được đã và đang tạo cho Hà Nội những bước đi vững chắc trong thời gian tới.

Giải quyết các thủ tục hành chính về thuế tại Cục thuế thành phố Hà Nội - Nguồn: mof.gov.vn

Sự cần thiết phải sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TW), ngày 25-10-2017, cho thấy, công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập cả nước nói chung, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng còn chậm. Quy hoạch mạng lưới chủ yếu theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng, miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, có phần thiếu minh bạch. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế.

Vì vậy, phải hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực. Phân loại đơn vị sự nghiệp công để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp (hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, từng bước cổ phần hóa, hợp tác công tư,...). Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện...) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan, nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhận thức sâu sắc quan điểm chỉ đạo đó, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện tuyên truyền, quán triệt và tổ chức triển khai quyết liệt, toàn diện đến toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở; đề ra các nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hiệu quả, theo các quan điểm chỉ đạo:

Một là, một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa, đơn vị sự nghiệp có khả năng khai thác nguồn thu thì chuyển sang tự trang trải kinh phí, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Ba là, có giải pháp giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, nhân sự đúng quy định và bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Những kết quả đạt được

Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện thành công công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, được Trung ương và dư luận đánh giá cao. Kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố từ năm 2015 đến nay rất đáng khích lệ.

Thứ nhất, về sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thành phố thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành, giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đơn vị, tương đương 30,2%). Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 110 đơn vị, tương đương 53,4%). Theo thống kê sơ bộ, bước đầu sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố đã giảm 50 trụ sở, giảm 204 phòng, 405 lãnh đạo. Đối với trụ sở các đơn vị sáp nhập, Thành phố đang xem xét sắp xếp cho các cơ quan hành chính có nhu cầu sử dụng, còn lại thực hiện đấu giá.

- Cấp thành phố: Sở Giáo dục và Đào tạo giảm 48 đơn vị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 11 đơn vị, Sở Y tế giảm 10 đơn vị, Sở Tư pháp giảm 10 đơn vị, Sở Xây dựng giảm 9 đơn vị, Sở Giao thông Vận tải giảm 9 đơn vị, Sở Văn hóa và Thể thao giảm 6 đơn vị, Sở Khoa học và Công nghệ giảm 4 đơn vị; các sở, ngành còn lại giảm 14 đơn vị.

- Cấp quận, huyện: Sáp nhập Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (giảm 31 đơn vị). Sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể thao, Đài Phát thanh huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (giảm 48 đơn vị). Sáp nhập Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp vào Ban Quản lý dự án quận, huyện, thị xã (giảm 14 đơn vị). Sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa vào Ban Quản lý dự án quận (giảm 4 đơn vị). Sáp nhập các Ban Quản lý chợ trên cùng địa bàn thành 01 Ban Quản lý chợ (giảm 13 đơn vị).

Thứ hai, chuyển đơn vị sự nghiệp sang tự chủ và công ty cổ phần.

Đến nay, thành phố đã đẩy mạnh giao tự chủ chi thường xuyên đối với 106 đơn vị, với 8.761 biên chế, tăng thêm 45 đơn vị tự chủ chi thường xuyên so với trước đây. Xác định đẩy mạnh tự chủ kinh phí thường xuyên để giảm chi ngân sách, giảm biên chế là giải pháp căn bản quyết định đến kết quả tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đăng ký kế hoạch tự chủ giai đoạn 2017 - 2021 làm cơ sở giảm chi ngân sách, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Qua đó, dự kiến đến năm 2021 sẽ thêm 91 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, giảm chi ngân sách đối với 11.221 biên chế. Ngoài ra, xác định 15 đơn vị chuyển đổi sang công ty cổ phần, công ty hợp danh theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, ngày 22-6-2015, của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, ngày 15-3-2015, của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Công chứng năm 2014.

Thứ ba, về tinh giản biên chế.

Đến nay, thành phố đã tinh giản được 1.492 biên chế, gồm 507 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Thành phố cũng đã giải quyết 654 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20-11-2014, của Chính phủ.

Có được thành công trên là do thành phố đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương; sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn thành phố với phương châm thực hiện công khai, dân chủ, kỹ lưỡng và khoa học.

Những yếu kém, hạn chế và nguyên nhân

Chủ trương đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước là toàn diện, xuyên suốt, đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, việc ban hành một số cơ chế, chính sách triển khai thực hiện còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ như: quy định về việc xác định, phê duyệt vị trí việc làm; định mức viên chức, hợp đồng lao động; danh mục dịch vụ sự nghiệp công; hướng dẫn thực hiện tự chủ,... Công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực tài sản, ngân sách, nhân lực của đơn vị cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Một số đơn vị sự nghiệp công lập còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy tích cực tính chủ động, sáng tạo của đơn vị.

Giá các dịch vụ sự nghiệp công do đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng thấp hơn nhiều so với giá của các cơ sở ngoài công lập cùng ngành, lĩnh vực (do các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ) dẫn đến sự quá tải đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng dịch vụ cho các đối tượng thụ hưởng. Hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập chưa xây dựng được mô hình quản lý đơn vị sự nghiệp công theo cơ chế có Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát phù hợp để chuyển giao một số nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Thực hiện thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, ngày 22-6-2015, của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn hạn chế.

Sở dĩ còn những yếu kém, hạn chế nêu trên là do:

Một là, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có mức độ và phạm vi ảnh hưởng lớn đến mọi cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, có tác động đến quyền lợi của một số bộ phận, con người. Nhiều cơ quan đang hoạt động ổn định ngại thay đổi, một số cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng cố hữu, chưa tin vào sự thành công của việc sắp xếp, tinh giản.

Hai là, một số lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập chưa nhận thức được xu hướng tất yếu phải đổi mới cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp, nên chưa chủ động trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới cơ chế.

Ba là, cơ chế, chính sách về tự chủ trong quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập tuy đã được ban hành, song chưa sửa đổi, bổ sung đồng bộ nên quá trình triển khai các chính sách về đổi mới cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập còn gặp nhiều khó khăn như việc ràng buộc về quản lý biên chế trong khi chính sách quy định các đơn vị sự nghiệp công lập được phép giao quyền tự chủ về bộ máy, tự chịu trách nhiệm về kết quả nhiệm vụ được giao.

Bốn là, các văn bản của Trung ương hướng dẫn xây dựng hệ thống đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực, danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa… chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời. Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, của Chính phủ, quy định các trường hợp tinh giản biên chế theo Khoản 1, Điều 6 còn chặt chẽ, tiêu chí theo đề án vị trí việc làm lại đang trong quá trình xây dựng, chưa khuyến khích đối tượng tự nguyện nghỉ tinh giản biên chế,... dẫn đến tỷ lệ nghỉ để tinh giản biên chế chưa cao.

Một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới

Thực hiện Chủ đề năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội”, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 1459/QĐ-UBND, ngày 26-3-2018, về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội. Theo đó, nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lặp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp và hành động quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Không thực hiện việc bổ nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời gian sắp xếp. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, biên chế đúng quy định và bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới các cơ quan, đơn vị về mục đích, yêu cầu của việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Bảo đảm hiệu quả, thông suốt và thống nhất hành động. Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả. Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Thứ hai, các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao tập trung chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14-02-2015, của Chính phủ; chuyển sang công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg, ngày 17-7-2017, của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch định hướng mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực theo Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 20-5-2016, của Ủy ban nhân dân thành phố.

Thứ ba, sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế. Sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.

Thứ tư, nghiên cứu sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng; hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng.

Thứ năm, sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm. Sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp thành phố thành Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép. Thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác. Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực.

Thứ sáu, sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục duy trì các đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu. Đối với các đơn vị nghệ thuật khác chuyển sang hình thức ngoài công lập. Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hà Nội đến năm 2025 đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.

Thứ bảy, nghiên cứu xây dựng Đề án hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông,... cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng kinh tế cấp huyện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp chưa thực hiện theo Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND, ngày 1-8-2016, của Ủy ban nhân dân thành phố. Rà soát toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công trong từng ngành, từng lĩnh vực để sắp xếp các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi mô hình hoạt động bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả./.

Anh Phương

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2018/51335/ha-noi-doi-moi-sap-xep-cac-don-vi-su-nghiep-cong.aspx