Hà Nội đưa ra một loạt biện pháp thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Hiện Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,29% về dân số, nhưng có mức đóng góp chiếm 16,96% giá trị GRDP cả nước, 19% về thu ngân sách, 5,68% về xuất khẩu... Năm 2020, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên. Trong đó, TP nhấn mạnh vào yếu tố hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (DN), thu hút đầu tư nước ngoài.

Điểm đến an toàn thu hút nhà đầu tư

Trong tháng 1-2020, Hà Nội có 68 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 30,2 triệu USD, trong đó có 61 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 7 dự án liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn bổ sung đạt 71,4 triệu USD. Cũng trong tháng 1-2020, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 40 triệu USD. Đây được coi là những bước khởi sắc đầu tiên trong kế hoạch kinh tế - xã hội được UBND TP Hà Nội đề ra trong năm 2020.

Năm 2020, TP có 27 chỉ tiêu kế hoạch, bao gồm: Chỉ tiêu về thu, chi ngân sách; chỉ tiêu về biên chế hành chính, sự nghiệp và 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhiều hơn 3 chỉ tiêu so với Nghị quyết của HĐND TP và kế hoạch năm 2019 (chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân; bác sĩ/vạn dân và tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng). Mức tăng trưởng GRDP được đề ra từ 7,5% trở lên; 100% cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải; 100% hộ dân được cung cấp nước sạch; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng và chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân, số bác sĩ/vạn dân. Cũng trong năm 2020, chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP được HĐND TP giao 278.805 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2019. Dự toán chi ngân sách địa phương (không kể chi trả nợ gốc) năm 2020 là 103.203 tỷ đồng.

Một trong nhiều biện pháp đảm bảo hoàn thành các tiêu chí được TP đặt ra chính là chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm các thủ tục hành chính… Mục đích cuối cùng, để các nhà đầu tư nước ngoài thực sự thấy Hà Nội là điểm đến an toàn, đầy vận hội.

Không chỉ ở thời điểm này, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, khẳng định cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo TP về tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Hà Nội đã được thể hiện rõ nét từ các năm 2018, 2019. Nếu như, năm 2018, Hà Nội thu hút được 7,501 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 2,18 lần so với năm 2017 thì bước sang năm 21019, đầu tư nước ngoài vào Hà Nội đạt 8,05 tỷ USD. Trong đó, 800 dự án cấp mới, vốn 1,5 tỷ USD; 165 lượt dự án tăng vốn, vốn tăng 1,1 tỷ USD; 1.100 lượt góp vốn mua cổ phần của DN Việt Nam, tổng giá trị 5,45 tỷ USD. Lũy kế tổng số vốn đạt 42 tỷ USD với 5.300 dự án còn hiệu lực. Con số 8,05 tỷ USD đưa Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, cao nhất kể từ 30 năm mở cửa và hội nhập và là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước.

Bước sang năm 2020, nhiều tập đoàn, Cty đa quốc gia lớn đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư hợp tác của mình tại Hà Nội như: Sumimoto (Nhật Bản); Nidec (Nhật Bản), AEON (Nhật Bản)… Đây cũng là thành quả trong việc suốt một thời gian dài, TP chủ động, tích cực trong quan hệ hợp tác quốc tế, tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương, tranh thủ gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô.

Hà Nội chứng minh là điểm đến an toàn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh tư liệu

Nhiều ưu đãi khuyến khích DN

Cùng với việc thu hút DN đầu tư nước ngoài, Hà Nội cũng hết sức chú trọng khuyến khích phát triển các DN thành lập mới. Năm 2019, TP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 27.902 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 510.600 tỷ đồng. DN thành lập mới tăng cả về số lượng (11%) và vốn đăng ký (30%)... Hà Nội hiện có khoảng 260.000 DN, đứng thứ hai trên cả nước. Trung bình 3 năm gần đây, có khoảng trên 20.000 DN thành lập mới mỗi năm.

Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/ DN/ năm 2018-2019 là khoảng 10 tỷ đồng/ DN. Mật độ người dân/ DN là 38 người dân/ DN (cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước (cả nước là 135 người dân/ DN). Đóng góp của các DN và ngân sách của TP vào khoảng 30%.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Vũ Minh Tiến, mặc dù có số lượng lớn nhưng số DN khởi nghiệp thành công và DN khởi nghiệp sáng tạo, gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỉ lệ rất ít (khoảng 0,1% trong tổng số các DN khởi nghiệp). Để khắc phục nhược điểm này, TP có hướng đi rất đúng đắn, đầy quyết đoán, mang nét riêng của một Thủ đô đầu tàu cả nước, đó là lập và đưa vào thực tế Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Trong đó, UBND TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 150 DN khởi nghiệp sáng tạo được thương mại hóa sản phẩm, trong đó có ít nhất 20% DN gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Cũng theo chuyên gia Vũ Minh Tiến, đề án có những tiêu chí cụ thể với một loạt chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; hỗ trợ chi phí để thực hiện các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ kinh phí để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo…

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020 mới đây, cả lãnh đạo Thành ủy và UBND TP đều nhận thấy, mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 của TP ở mức trên 7,5% có nhiều thách thức. Để đạt được những kì vọng đề ra, TP tiếp tục đưa ra các giải pháp, trong đó tiếp tục tập trung mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn vốn, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có khả năng tạo ra các động lực phát triển mới cho kinh tế Thủ đô…

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-dua-ra-mot-loat-bien-phap-thu-hut-dau-tu-phat-trien-doanh-nghiep-180614.html