Hà Nội dùng học bạ số cho trường phổ thông, nếu sai sót sửa chữa thế nào?

Bắt đầu từ tháng 4, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ áp dụng học bạ số đối với cấp tiểu học và tháng 5 sẽ thực hiện thí điểm với cấp trung học.

100% thông tin học sinh đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ tháng 4, Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm học bạ số với cấp tiểu học và tháng 5 sẽ thực hiện thí điểm với cấp trung học.

Việc triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số, làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên địa bàn toàn thành phố. Đối tượng tham gia thí điểm là các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và học sinh cấp tiểu học trong các cơ sở giáo dục này. Thời gian thực hiện thí điểm trong tháng 4.

Sở GD&ĐT yêu cầu các nội dung thí điểm phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu chức năng, kỹ thuật theo quy định, sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GD&ĐT. Giải pháp phần mềm học bạ số phải bảo đảm tính kế thừa, khả thi, an toàn, đồng bộ và liên thông, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng học bạ số thay thế Học bạ giấy truyền thống trong thực hiện các thủ tục hành chính có sử dụng học bạ.

Các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm phải bảo đảm các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai học bạ số. Cùng với đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tham gia thực hiện thí điểm có chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ học bạ số, cam kết cung cấp dịch vụ ổn định, an toàn khi triển khai phương án, giải pháp kỹ thuật về học bạ số.

Học sinh Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình, Hà Nội) trong một tiết học chuyên đề.

Theo kế hoạch, dự kiến từ tháng 5/2025, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm học bạ số với cấp trung học. Tháng 7/2024, sẽ tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thí điểm.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục Hà Nội có 2.852 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 2,2 triệu học sinh. Hiện nay, 100% thông tin học sinh đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư.

100% trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.

Tính đến ngày 15/3/2024, có 45% số giáo viên, nhân viên ở các trường phổ thông Hà Nội đã được trang bị chữ ký số cá nhân với tổng số lượng 37.509 ký số.

Đơn vị nào có thẩm quyền sửa chữa thông tin học bạ?

Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có chữ ký điện tử xác thực của giáo viên và hiệu trưởng. Học bạ số có giá trị pháp lý như học bạ giấy, sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan.

Với học bạ số, học sinh, phụ huynh và các trường học được cấp quyền truy cập sẽ tra cứu được toàn bộ quá trình học tập của học sinh. Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cũng cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Về cấu trúc, học bạ số bao gồm các thông tin cá nhân của học sinh và kết quả học tập rèn luyện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, học bạ số được bổ sung các trường thông tin không có trong học bạ giấy như: mã số tra cứu học bạ, mã số định danh, ngày hiệu lực của học bạ số.

Trước ngày 30/6 hằng năm, các trường học báo cáo học bạ số, chốt dữ liệu học bạ của tất cả học sinh về cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý.

Đối với những học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học tại thời điểm 30/6 và cần được đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học, thời gian chốt dữ liệu học bạ trước ngày 15/8.

Cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý cho phép tiếp nhận học bạ từ các nhà trường, cho phép nhà trường thu hồi hoặc báo cáo thay thế học bạ số trong thời gian chưa chốt dữ liệu học bạ. Do đó, học bạ số chỉ có thể được sửa chữa nếu có sai sót trước ngày chốt dữ liệu. Kể từ thời điểm chốt dữ liệu, học bạ số được xem là có hiệu lực sử dụng và không thể sửa, thay đổi được nội dung. Đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về thông tin học bạ thuộc về nhà trường nơi phát hành học bạ.

Trước ngày 10/7 hằng năm đối với học sinh đã được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học và trước ngày 25/8 đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, Sở GD&ĐT báo cáo toàn bộ dữ liệu về học bạ về Bộ GD&ĐT qua cơ sở dữ liệu ngành giáo dục để sử dụng cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và phục vụ tra cứu trên cổng tra cứu học bạ toàn quốc.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-dung-hoc-ba-so-cho-truong-pho-thong-neu-sai-sot-sua-chua-the-nao-169240331081836024.htm