Hà Nội duy trì vị trí 'Á quân' trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính

Trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index), Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 89,06%. TP Hà Nội tiếp tục đứng vị trí thứ hai với kết quả 83,98%.

Chiều ngày 24/5, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS).

Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%; TP Hà Nội tiếp tục đứng vị trí thứ hai với kết quả 83,98%. Tiếp đó lần lượt là Đồng Tháp 83,71%; Đà Nẵng 83,7%; Hải Phòng 83,68%. Trong năm 2018 không có địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC dưới 60%.

Việc duy trì vị trí 'Á quân' trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 là nỗ lực lớn của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội. Trong năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao các chỉ số PCI, PAPI; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh chương trình chính phủ điện tử; từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh.

Thành phố đã chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa được 61 thủ tục hành chính; đưa vào vận hành chính thức hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 55%. Đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt tỷ lệ 100% ; các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội trên 98%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đạt 86,5%. Thiết lập được 6 triệu 325 nghìn hồ sơ sức khỏe điện tửcho người dân, đạt 82,2%.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hóa giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu.

Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS)

Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS)

Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hóa công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số.

Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam- Make in Việt Nam, diễn ra đầu tháng 5/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 3 năm qua, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Hơn 9 triệu dân được đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư, vấn đề kết nối giữa sở ban ngành, cơ quan liên quan đến thành phố được thực hiện nhanh gọn. Các dịch vụ công trực tuyến được xử lý nhanh chóng.

Hiện thành phố có 17 chương trình đang ứng dụng công nghệ trong ở hầu hết các lĩnh vực lớn. 3.530 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng năm 2018. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng này nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ.

Chỉ số cải cách hành chính năm (PAR index) là công cụ quản lý được Bộ Nội vụ xây dựng và áp dụng từ năm 2012 đến nay nhằm giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Chỉ số cải cách hành chính bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá riêng cho cấp bộ và cấp tỉnh, được thiết kế, xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa và bám sát các nhiệm vụ cải cách hành chính mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, các tỉnh thực hiện.

Minh Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-duy-tri-vi-tri-a-quan-trong-bang-xep-hang-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-120166.html