Hà Nội: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

Thời gian gần đây, kinh tế phát triển đòi hỏi nguồn lao động lớn và có chất lượng hơn. Theo đó, học nghề cũng ngày càng thu hút sự lựa chọn của các bạn trẻ. Vì vậy, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó cũng là chủ trương mà ngành đào tạo Thủ đô đang hướng tới.

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 được diễn ra cuối tháng 4/2021 với quy mô 43 gian hàng tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; 22 gian trình diễn kỹ năng nghề, trưng bày giới thiệu mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành của học sinh, sinh viên và 9 mô hình thiết bị đào tạo tự làm;… thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và doanh nghiệp (DN) tham gia.

Lễ ký kết đào tạo giữa các DN và các cơ sở đào tạo nghề

Với 3 hoạt động chính gồm: Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT; hoạt động của phiên giao dịch việc làm… hội nghị đã giúp gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN, giữa đào tạo và giải quyết việc làm. “Đây là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đào tạo lại, cải thiện năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia” - bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội – nhấn mạnh.

Bà Nhàn cho biết, tham gia hội nghị có 30 DN tiêu biểu đại diện cho 529 DN đang liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Tại phiên giao dịch việc làm, các DN đã đăng ký tham gia tuyển dụng với gần 1.500 chỉ tiêu lao động. Các vị trí việc làm đa dạng với các mức lương cũng khác nhau, trong đó, nghề kỹ thuật viên thang máy gây sự chú ý, thu hút nhiều ứng viên quan tâm.

Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã cùng Gama Service và Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao ký kết hợp tác 3 bên, đặt hàng đào tạo nguồn lao động. Ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam- cho biết: Trong bối cảnh phát triển của ngành thang máy, thang cuốn Việt Nam, nhu cầu về nguồn lao động ngày một lớn và là cơ hội tốt với nhiều bạn trẻ, sinh viên. Do đó, việc ký kết hợp tác và giao dịch việc làm tại hội nghị này là hoạt động thiết thực, nằm trong định hướng phối hợp với các đơn vị đào tạo để triển khai và hoàn thiện năng lực, nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật lành nghề trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn mà hiệp hội đang thực hiện.

Nhiều DN cũng cho biết, nhờ việc mở rộng quan hệ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà DN có số lượng lao động kịp thời, đáp ứng tiến độ sản xuất, nhất là khi phải chạy các đơn hàng xuất khẩu.

Thông thường, đào tạo tại các trường nghề giúp người lao động có kiến thức cơ bản về điện, điện tử, tự động hóa..., nên khi tuyển dụng chỉ cần hướng dẫn qua là có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay. Do đó, việc gắn kết trong đào tạo nghề giúp DN có nguồn lao động chất lượng hơn, không mất thời gian, chi phí đào tạo lại nhiều” - bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa- bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam (Khu Công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn)- chia sẻ.

Dự kiến tuyển hơn 500 lao động từ nay đến cuối năm, bà Trần Thùy Diệu – Trưởng phòng Phát triển việc làm- Công ty CP Đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt- đến với Hội nghị để có thể khẳng định gặp gỡ với nhiều trường nghề và tiếp cận nguồn lao động phù hợp với nhu cầu của DN.

Cần tiếp tục đổi mới

Những năm gần đây, TP. Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động, giải pháp nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người. Số người học nghề tăng lên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thủ đô tăng từ 34,2% vào năm 2010 lên 70,25% vào năm 2020, thuộc nhóm cao của cả nước, dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng lên 71,5% vào cuối năm 2021.

Các DN sẽ trực tiếp tuyển hơn 1.500 người vào các vị trí việc làm trong phiên giao dịch

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, tập trung đông đảo người lao động và có số lượng cơ sở đào tạo nghề lớn nhất nước, nên việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động cần được các bên quan tâm thực hiện nhiều hơn nữa. Thành phố cần nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh gắn kết với thị trường lao động. DN cũng cần tham gia vào quá trình đào tạo để học viên có kiến thức thực tiễn, cơ hội thực hành tay nghề.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động là phương án truyền thông hữu hiệu thu hút sự quan tâm của toàn xã hội về giáo dục nghề nghiệp, góp phần thay đổi tư duy bằng cấp của các bậc phụ huynh, mặt khác khẳng định vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, để triển khai các chính sách, chỉ đạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, công tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu: Các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, thông tin tuyên truyền kịp thời các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của DN trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tích cực chủ động tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp đổi mới công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo. Đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ DN, thúc đẩy sự gắn kết DN với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng:

Hà Nội cần tiếp tục đổi mới nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp bằng việc tích cực chủ động tham mưu cho thành phố các giải pháp đổi mới công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo... ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-gan-ket-giao-duc-nghe-nghiep-voi-thi-truong-lao-dong-158163.html