Hà Nội: 'Gặp gỡ nhạc mới'

TP - Nhạc đương đại vừa làm cuộc biểu dương lực lượng Gặp gỡ Nhạc mới Hà Nội 2009, với bốn buổi hòa nhạc tại Hà Nội và TPHCM (15 - 20/10). Thêm buổi tọa đàm nhằm xác định tương lai và cơ hội cho loại nhạc vốn được mặc định là khó nghe này.

Stefan Osterjo (tỳ bà) và Ngô Trà My (đàn bầu) trong tác phẩm Trong khi thành phố ngủ của Staffan Storm (Thụy Điển) Tất cả là bước chuẩn bị cho liên hoan năm sau, dự tính cả dàn nhạc giao hưởng tham gia. Khán giả không bỏ về là dấu hiệu tốt - nhạc sĩ Vũ Nhật Tân nhận định sau đêm 15/10 tại nhà hát Tuổi trẻ. Vũ Nhật Tân và Nguyễn Mạnh Hùng đóng góp Aem 15 - tác phẩm tiếng ồn thuộc cường độ lớn - nghe thoáng qua, có thể tưởng là âm thanh của đại công xưởng hay chiến trận. Được biết, một số người nghe khi không còn thấy phê với rock cực nặng bèn chuyển qua ghiền nhạc tiếng ồn. Một số khán giả thấy nhạc mới dễ ưa hơn sau đêm thứ hai, với sự xuất hiện của các tác phẩm ít nhiều có nhiều yếu tố “truyền thống” - nghĩa là đây đôi lúc còn có thể nghe ra giai điệu, tiếng đàn tranh, đàn bầu - chứ không chỉ có tiếng của chiếc mã vĩ cọ vào rìa của cây đàn tranh như Kim Ngọc thực hành đêm trước. Tố nữ - tác phẩm sân khấu nhạc độc diễn của Kim Ngọc - Ảnh: N.M.Hà Nguyễn Nhất Lý - phụ trách âm thanh - ca ngợi đêm ngẫu hứng 16/10: “Kể cả phương Tây cũng khó kiếm được một buổi hòa nhạc chất lượng như thế!”. Quả thực cuộc gặp gỡ hội tụ được những tên tuổi nổi bật trong làng nhạc mới Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Đức. Nhạc mới xuất phát trước hết từ khát vọng làm mới của nhạc sĩ. Lotte Anker (Đan Mạch) nói về thú vui làm nhạc mới là “tạo ra một điều gì đó hoàn toàn mới, không bị tắc hay dừng ở một điểm nào cả”. Với Pippa Murphy (Anh) “thật kích động khi tạo ra những cái chưa bao giờ được nghe trước đây”. Một trong những lý do khiến các nhạc sĩ (phương Tây) tìm đến với nhạc mới, theo Nhất Lý: “Âm nhạc đã đến đỉnh, rất khó vượt qua, cho dù viết khác đi”. Vì thế chăng mà một số nhạc sĩ tìm về với âm thanh, tiếng động…. Nguyễn Thanh Thủy - nghệ sĩ đàn tranh truyền thống khá có thương hiệu, khẳng định: “Khi đã làm hết khả năng để cây đàn nói được tiếng truyền thống, tôi muốn nói ngôn ngữ khác. Tôi tìm thấy tự do trong làm việc với âm nhạc đương đại, không sợ rào cản nào từ phía truyền thống”. Từ khi đánh chuyển hướng nhạc đương đại, Thủy mất một số fan cũ và có fan khác. Âm nhạc Việt Nam dưới mắt tôi chết lâu rồi(!) từ thương mại tới hàn lâm. Tổ chức liên hoan nhạc đương đại bây giờ là quá muộn. Chỉ nhạc đương đại mới mong phản ánh được đời sống. - Nghệ sĩ đương đại Trần Lương Với Kim Ngọc, làm nhạc mới là để chiều bản thân: “Nghệ sĩ chưa thỏa mãn chính mình thì thỏa mãn được ai”. Chị cũng khẳng định, với nhạc đương đại, nghệ sĩ bước đầu xác định quyền làm ra điều mình muốn chứ không phải người khác muốn. Nhiều tiếng nói ủng hộ nhạc mới trong buổi tọa đàm chiều 17/10 tại viện Goethe Hà Nội. Với hai tác phẩm cùng đề tài của hai nhạc sĩ cùng tên Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha so sánh: “Âm nhạc của Sơn này đè Sơn kia chết ngay! À í a của Lê Minh Sơn vẫn ta thán, gây mủi lòng, Một gương mặt số bốn của SơnX chia sẻ hơn, chân thực hơn”. Họ nghĩ gì, đau khổ hay sung sướng - nhạc đương đại có thể nói được. Giảm nhạc tính nhưng thêm vào các ngôn ngữ của đồ họa (tác phẩm của SơnX) hay sân khấu (tiêu biểu là Kim Ngọc) - nhạc mới không thiếu phương tiện để nói. Đến khi nào người Việt bỏ tiền mua vé để nghe một thứ nhạc nói đúng tâm tư của mình thì nhạc đương đại coi như thành công. Còn giờ đây, nó đang phải dụ dỗ công chúng. Một số biện pháp được đưa ra: Tổ chức thảo luận cho khán giả trước/sau buổi hòa nhạc; mở cửa phòng tập cho khán giả vào xem tác phẩm nhạc mới thành hình; phỏng vấn, lấy ý kiến... Nhạc đương đại đến thời điểm này được xem là chặng phát triển tiếp theo bắt nguồn từ nhạc cổ điển phương Tây. Stefan Ostersjo (Thụy Điển) công nhận: “Kết quả chúng ta đạt được chưa thể nói là tốt hơn so với nhạc cổ điển”. Dù là nhạc gì, khán giả vẫn là thước đo thành công. Dường như âm nhạc của loài người đang ở buổi giao thời, mà nhạc đương đại hay nhạc mới giống một chặng chuyển tiếp trước khi tiến sang một chu kỳ âm nhạc mới triệt để hơn.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=175142&channelid=7