Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024

Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024.

Bệnh nhân là nam (22 tuổi, trú tại thị xã Sơn Tây), khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém, sốt, có cơn rét run.

Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105, chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não chưa loại trừ não mô cầu, được thở ô xy, chống co giật, kháng sinh.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ, lơ mơ, cứng gáy… Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính với não mô cầu.

Tiêm vaccine để phòng bệnh viêm não mô cầu.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 6 căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân.

Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh, gây tử vong cho trẻ trong vòng 24h nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 50% – 70% trẻ nhập viện do viêm não mô cầu có nguy cơ tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, vẫn có khoảng 20% trẻ bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi,…

Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm sang mũi họng của người cảm nhiễm. Lây truyền bệnh qua đồ vật rất hiếm xảy ra.

Hiện có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh, trong đó có 6 nhóm huyết thanh thường gặp và nguy hiểm nhất (A, B, C, Y, W-135, X).

Để phòng bệnh, theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, Việt Nam đã có vaccine phòng ngừa đầy đủ 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu nguy cơ cao gây bệnh, bao gồm: Vaccine não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero) của Ý, nhóm BC (Mengoc BC) của Cuba và nhóm A, C, Y, W-135 (Menactra) của Mỹ.

Theo khuyến cáo của BS, các vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên mà không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm 1 loại này mà bỏ qua loại khác.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/ha-noi-ghi-nhan-ca-mac-viem-nao-mo-cau-dau-tien-trong-nam-2024-i730888/