Hà Nội: Giá gạo biến động tại chợ dân sinh, siêu thị vẫn ổn định

Giá gạo xuất khẩu tăng giá khiến giá gạo ở hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội biến động liên tục trong những ngày qua, trong khi tại các siêu thị giá vẫn ổn định.

Gạo tăng giá tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Hà Anh.

Mekong ASEAN ghi nhận thực tế tại một số đại lý, điểm chuyên bán gạo lẻ và sỉ tại các chợ dân sinh truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Trương Định (quận Hoàng Mai), chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình)...cho thấy hầu hết các loại gạo đều tăng giá.

Gạo ST25 tăng từ 25.000 đồng/kg lên 28.000-30.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên tăng từ 16.000 đồng/kg đã tăng lên 18.000- 20.000 đồng/kg; gạo tám Hải Hậu tăng từ 15.000-16.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; gạo tám xoan Hải Hậu tăng từ 17.000 đồng/kg lên 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Bắc Thơm từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; gạo dẻo 64 từ 14.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg...

Ngay cả các loại bình dân như gạo 504, gạo bụi hồng hay được dùng trong các quán cơm bình dân cũng tăng từ 13.000 đồng/kg lên 14.000-15.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân về giá gạo tăng cao trong những ngày qua, bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết: "Giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá gạo trong nước tăng nên giá gạo bán ra cũng phải tăng. Mấy ngày nay mỗi hôm giá gạo một khác khiến chúng tôi không biết nên điều chỉnh giá như thế nào là hợp lý vì khách tới mua hầu như toàn khách quen nên nếu có tăng tôi cũng chỉ dám cầm chừng".

Ông Đình Văn Hiếu, chủ một đại lý gạo ở chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Mặc dù biết giá gạo thời gian gần đây có tăng nhưng theo tôi, giá tăng có thể do các đầu mối đua nhau đẩy giá lên cao. Giá gạo biến động từng giờ, từng ngày khiến những đại lý gạo như chúng tôi rất lo lắng vì không biết thời gian tới giá có tăng nữa không để còn ước tính số lượng nhập vào. Vì nhập số lượng lớn mà thời gian tới xuống giá hoặc chững lại thì đại lý lỗ nặng".

Giá gạo tăng liên tục khiến nhiều tiểu thương, đại lý buôn gạo "đau đầu" khi chỉnh giá sao cho phù hợp với người tiêu dùng. Ảnh: Hà Anh.

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Mai Hoa, một tiểu thương ở chợ Trương Định (quận Hoàng Mai) nói: "Giá gạo nhập vào tăng nên buộc chúng tôi cũng phải tăng giá bán, nhưng tôi chỉ dám tăng 500-1.000 đồng/kg tùy loại. Tính ra giờ đại lý bán gạo gần như không có lãi. Tôi cũng chỉ dám nhập lượng vừa đủ để bán chứ không dám ôm hàng bởi đến lúc giá gạo có giảm thì không có ai bù lỗ cho chúng tôi cả".

Giá gạo tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Mặc dù giá cao nhưng sức mua vẫn lớn. Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ đại lý gạo ở chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Do lo ngại giá gạo có thể tăng thêm trong thời gian tới nên một số người mua nhiều hơn trước để dự trữ. Trước đây mỗi lần họ mua khoảng 5-10kg một lần thì mấy ngày gần đây bắt đầu mua số lượng lớn, khoảng 20-40kg cho một lần mua".

Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Lê Hiền Mai (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: "Mới cách đây hơn một tháng, tôi mua gạo ST25 giá 220.000 đồng/bao 10kg thì nay lên đến 260.000 đồng/bao. Không chỉ gạo mà trứng gà cũng tăng giá, trước đây tôi mua 25.000 đồng/chục thì giờ phải 35.000 đồng/chục trứng rồi. Giá cả ngày càng leo thang khiến những người tiêu dùng, bà nội trợ như chúng tôi đau đầu vì phải tính toán, chi tiêu sao cho phù hợp".

Việc giá gạo tăng liên tục không chỉ khiến các tiểu thương, đại lý buôn gạo "đau đầu" mà các hàng, quán cơm bình dân phần nào cũng bị ảnh hưởng.

Giá gạo tăng kéo theo giá của nhiều mặt hàng thực phẩm khác tăng. Chị Thu Phương, chủ quán cơm tại ngõ Tự Do (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, các mặt hàng như gạo, thịt, trứng, rau đều tăng giá. Tuy nhiên, phần lớn khách ăn cơm tại quán đều là sinh viên, người thu nhập có lao động thấp nên chị vẫn giữ nguyên giá 30.000-35.000 đồng/suất ăn.

"Quán tôi từ trước đến nay đều bán giá rẻ cho sinh viên, công nhân. Bây giờ mà còn tăng giá nữa thì chắc không có khách. Tăng lên 40.000 đồng/suất thì khách họ sẽ chọn ăn bún, phở thay vì ăn cơm", chị Phương nói thêm.

Ngoài ra, thời điểm này, một số người dân cũng lựa chọn đi chợ tại các hệ thống siêu thị như Winmart, Co.opmart, BigC... bởi giá bán vẫn ở mức ổn định, thậm chí một số mặt hàng gạo cao cấp còn được khuyến mãi, giảm giá.

Nhiều người dân cũng lựa chọn đi chợ tại các hệ thống siêu thị. Ảnh: Hà Anh.

Chẳng hạn như tại hệ thống siêu thị Winmart, thương hiệu Ngọc Nương ST25 túi 3kg được bán với giá 99.000 đồng thay vì giá niêm yết 119.000 đồng/kg; hay như Ngọc Nương gạo lúa tôm ST25 túi 5kg giảm từ 190.000 đồng còn 159.000 đồng...

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ha-noi-gia-gao-bien-dong-tai-cho-dan-sinh-sieu-thi-van-on-dinh-post25665.html