Hà Nội giải bài toán rác thải - nỗi ám ảnh xuyên thập kỷ: Bài 1 - Vì sao 'xanh' nhưng chưa sạch đẹp?

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng bài toán rác thải của Hà Nội vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vậy đâu là nguyên nhân?

Nhiều năm nay, Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề bài toán rác thải sinh hoạt.

Nỗi ám ảnh xuyên thập kỷ

Sau gần 14 năm điều chỉnh địa giới hành chính, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội được chỉ đạo quyết liệt; chính quyền thành phố đã tập trung đầu tư cho nhiệm vụ quan trọng này.

Trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt

Có thể kể đến hai trạm xử lý nước thải đô thị đầu tiên ở khu Kim Liên, hồ Trúc Bạch và nhiều dự án xử lý nước thải đô thị chung đã được xây dựng, góp phần cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đáng chú ý, thành phố đã huy động các nguồn lực để triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp theo hướng giảm lượng rác thải chôn lấp, tăng lượng rác thải được xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng, như: Lò đốt chất thải công nghiệp công suất 200 kg/giờ tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, lò đốt rác thải sinh hoạt, hai dây chuyền đốt rác tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất 300 tấn/ngày...

Tuy nhiên với mật độ dân cư ngày càng cao nên dù nguồn lực dành cho xử lý ô nhiễm mỗi trường tăng nhưng hiệu quả chưa cao. Hàng năm, khu vực nội đô vẫn xảy ra ùn ứ rác thải rắn sinh hoạt cục bộ, có thời điểm lên đến cả tuần rác không được vận chuyển đến các điểm tập kết để xử lý.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo tính toán, với đà gia tăng như hiện nay, đến năm 2030, mỗi ngày Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp 1,5 lần con số hiện tại.

Việc ùn ứ rác như vậy không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân.

Chị Thùy Linh cũng như nhiều người dân sinh sống ở ngõ 3 ngõ Liên Cơ, phường Cầu Diễn, Hà Nội – chia sẻ: “Khu vực tập kết rác của bà con sinh sống trong ngõ 3 ngay cạnh sân tenis khu liên cơ. Thường ngày buổi sáng hay chiều tối mọi người đi bộ quanh khu vực này rất thoải mái, vì cây xanh nhiều lại thưa xe cộ. Tuy nhiên thời gian qua nhiều lần ùn ứ rác, mỗi lần như vậy gây mùi xú uế, ruồi, nhặng... khiến người dân rất lo lắng”.

Phân tích của giới chuyên gia, trong thành phần rác thải sinh hoạt, thông thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn. Các loại rác hữu cơ dễ phân hủy gây hôi thối, phát triển vi khuẩn làm ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới đời sống mọi người. Khu tập trung rác hữu cơ cũng là nơi phát sinh và phát triển chuột, ruồi, muỗi, gián và các loại vi trùng gây nhiều chứng bệnh truyền nhiễm cho con người, vật nuôi trong gia đình...

Vẫn loay hoay xử lý

Tại Quyết định số 609/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chia công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo 3 vùng phía Bắc, Nam và Tây, xác định có 17 khu xử lý chất thải.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, hiện vùng I chỉ có 1 khu xử lý Nam Sơn (Sóc Sơn) đang hoạt động. Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đang phải tiếp nhận 4/5 khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố, ước tính từ 5.000 - 5.500 tấn/ngày đêm. “Từ thời điểm năm 2020 đến nay, những ô chôn lấp đều đã đầy, trong khi các dự án giai đoạn II khu phía Bắc chậm triển khai; dự án giai đoạn III mới đang triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch, vì vậy không mở rộng được ô chôn lấp mới nên thường xuyên phải thực hiện các giải pháp tạm thời, cấp bách để duy trì hoạt động, đảm bảo an ninh môi trường cho thành phố. Ngoài ra, khu xử lý đang triển khai đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, hoạt động thử nghiệm từ tháng 5/2022”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ.

Rác thải vẫn dồn ứ về 2 khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn

Còn với vùng II có 6 vị trí nhưng chưa có khu xử lý nào hoạt động; vùng III có 1 khu xử lý Xuân Sơn đang hoạt động. Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn hiện có công suất tiếp nhận xử lý bằng phương pháp chôn lấp khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Ngày 30/3/2022 đã tiến hành khởi công xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Với lượng rác thải khoảng 7.000 tấn/ngày đêm trong khi việc triển khai các khu xử lý còn chậm dẫn tới rác thải vẫn dồn ứ về 2 khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn gây áp lực lớn đối với công tác xử lý rác thải của thành phố. Ước tính hai năm gần đây có ít nhất 15 lần ùn ứ rác thải trên địa bàn thành phố. Tình trạng này không ai đảm bảo không thể xảy ra trong thời gian tới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết, chắc chắn tình trạng quá tải tại các bãi chứa rác cơ quan quản lý đã nắm được, vậy tại sao không có giải pháp hữu hiệu được đưa ra để ngăn? Điều này cho thấy sự loay hoay trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt của cơ quan quản lý.

Sự ách tắc, chậm trễ của các dự án xử lý rác không chỉ khiến Hà Nội nhiều lần “ngập trong rác thải” mà còn làm phiền lòng mỗi người dân, du khách khi đến với thủ đô được mệnh danh là thân thiện, văn minh, thanh lịch, thế nhưng lại chưa sạch đẹp.

Nghị quyết số 15-NQ/TW Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đánh giá Hà Nội: “Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ…”

(Còn nữa)

Thanh Tâm - Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-giai-bai-toan-rac-thai-noi-am-anh-xuyen-thap-ky-bai-1-vi-sao-xanh-nhung-chua-sach-dep-216035.html