Hà Nội: Giải pháp nào để chống ngập lụt cho các đô thị trục Đại lộ Thăng Long

Cứ mỗi đợt mưa lớn, các khu đô thị dọc đại lộ Thăng Long, Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Geleximco… lại bị ngập, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng khi đợt mưa cuối tháng 7 và cơn bão số 3 đầu tháng 8 vừa qua, đã làm ngập rất nhiều xe máy, ôtô, biệt thự liền kề…

Những biệt thự liền kề thuộc KĐT mới Lê Trọng Tấn sau cơn mưa bão (Ảnh: Internet).

Chị L.T.L (49 tuổi, lô A22, khu A biệt thự liền kề Geleximco cho biết: “Ngày trước, lúc còn sinh sống ở làng Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) tôi đã thấy khu vực này có tình trạng ngập úng. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng đang trong quá trình đô thị hóa nên ngập là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng sau 1 năm chuyển về đây sinh sống, tôi thực sự bất ngờ bởi một nơi đáng sống như khu đô thị (KĐT) Gleximco lại thường xuyên có hiện tượng ngập cục bộ, thậm chí là ngập sâu”.

Theo chị L: “Mặc dù nền nhà cao hơn 40cm so với mặt đường nhưng sau trận mưa của cơn bão số 3 vừa rồi, nước tràn ngập vào gara, khiến cuộc sống của cư dân khu vực này bị đảo lộn, đi làm về thì lội nước, chèo thuyền vào nhà, ôtô phải để tận đầu làng An Khánh”.

Liên quan đến nội dung này, đại diện Geleximco ý kiến rằng: Đơn vị đã đầu tư kinh phí để giải quyết vấn đề úng ngập với số tiền là 25 tỷ đồng, mua 3 máy bơm công suất 4000m3/h và sửa chữa các hạng mục hạ tầng cơ bản. Nhưng phương án này, cũng chỉ giải quyết được vấn đề cục bộ và bơm cưỡng bức để giải quyết tạm thời nước rút trong 2 - 3 tiếng đồng hồ chứ không phải là giải pháp lâu dài.

Nguyên nhân chính là các KĐT xung quanh quá nhiều, tạo khu vực này thành rốn nước. Cốt nền của Nhà nước cao chưa đáp ứng được yêu cầu hạ tầng hiện tại. Một trong những đề xuất của đơn vị này là cần có phương án tách dòng chảy tại hai khu vực vì theo quy định khu Nam An Khánh đổ ra sông Đáy, Bắc An Khánh đổ ra sông Nhuệ. Bên cạnh đó là khơi thông dòng chảy, nhà xây tiêu mương, bơm cưỡng bức.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng Hạ tầng, Sở xây dựng cho biết: “Điểm úng ngập ngã ba Lê Trọng Tấn, Đại Lộ Thăng Long và các hầm chui dân sinh khu vực xung quanh xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ kéo dài vào các ngày 21/7/2018 và mới đây nhất là ngày 3/8 khi cơn bão số 3 đổ bộ.

Qua nắm bắt thực trạng các trận mưa, nguyên nhân chính xảy ra úng ngập kéo dài là khi có mưa lớn trên diện rộng, mực nước trên hai tuyến sông thoát nước chính cho khu vực là sông Cầu Ngà và sông Nhuệ. Nước dâng cao đến cao độ nhất định sẽ xảy ra hiện tượng nước sông tràn ngược vào tuyến đường Đại lộ Thăng Long gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại các vị trí trũng, đặc biệt là khu vực các hầm chui dân sinh. Tình trạng ngập úng kéo dài là do hệ thống thoát nước hoạt động theo cơ chế tự chảy, khi mực nước tại sông Cầu Ngà hạ xuống thì nước mưa tại các điểm úng ngập cục bộ mới thoát được”.

Ông Hùng cũng cho biết thêm về giải pháp lâu dài giải quyết úng ngập: Khi hệ thống thoát nước trong khu vực được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt, dự án nút giao thông Lê Trọng Tấn với Đại lộ Thăng Long hoàn thành. Trạm bơm Yên Nghĩa đi vào khai thác vận hành 100% công suất cùng với việc cải tạo nâng cấp các tuyến mương tiêu, mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Ngà kiểm soát sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập úng trong khu vực.

Qua rà soát thực tế hiện trường liên ngành thống nhất một số giải pháp cần triển khai ngay để giải quyết tình trạng ngập úng. Trước mắt thực hiện nạo vét tuyến kênh mương tỉnh để tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho khu vực. Đồng thời, cần lắp đặt trạm bơm dã chiến tại vị trí hạ lưu tuyến kênh liên tỉnh giao với sông Cầu Ngà, để đảm bảo thoát nước khi mực nước sông Cầu Ngà dâng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị quản lý hệ thống kênh mương thủy lợi tăng cường duy trì khơi thông dòng chảy đảm bảo yêu cầu tiêu thoát đối với tuyến kênh tiêu T3A.

Qua thực trạng ngập úng cục bộ nêu trên, trước bức xúc của nhân dân, các cơ quan chức năng của Sở xây dựng cũng như chủ đầu tư đang loay hoay tìm giải pháp giải quyết dứt điểm úng ngập theo các tuyến kênh mương đã có từ xưa. Nhưng thực tế cho thấy các giải pháp chỉ mang tính tức thời chưa căn cơ lâu dài. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội sớm có biện pháp giải quyết triệt để giải quyết tình trạng trên.

Khánh Huyền

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-giai-phap-nao-de-chong-ngap-lut-cho-cac-do-thi-truc-dai-lo-thang-long.html