Hà Nội giảm 5% kinh phí chi thường xuyên để chống dịch

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2537-TB/TU, thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Ảnh: Hà Nam.

Ảnh: Hà Nam.

Thông báo nêu rõ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền rộng rãi các giải pháp, chủ động dự báo cả tình huống xấu nhất để có chuẩn bị tốt nhất và đạt hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 cao nhất; tập trung thông tin tạo sự đồng thuận, tin tưởng và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân; kịp thời biểu dương và khen thưởng các điển hình tiên tiến, làm lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ và các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; dừng triệt để các hoạt động có tập trung đông người; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sờ kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, đeo khẩu trang nơi công cộng. Giao Công an thành phố tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án phòng, chống, dịch trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng phương án, sẵn sàng triển khai phong tỏa diện rộng trên địa bàn thành phố khi cần thiết; trong đó phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan đơn vị thuộc thành phố. Chỉ đạo các ngành chức năng bảo đảm nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống; xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực, thực phẩm.

Thống nhất chủ trương cắt giảm thêm 5% kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan thành phố trong chín tháng cuối năm 2020, trên cơ sở triệt để tiết kiệm kinh phí từ việc dừng các hoạt động lễ hội, hội họp, đi công tác nước ngoài, văn hóa, thể thao, giải trí... của các cơ quan, để dành kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dự phòng cho phương án giảm thu ngân sách thành phố. Giao Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội, Đảng bộ các Tổng công ty trực thuộc Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần chi phối thực hiện tiết giảm ít nhất 5% chi phí hoạt động trên cơ sở cắt giảm các khoản chi không cần thiết.

Các cơ quan chức năng rà soát những trường họp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (bao gồm cả người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, cơ sở giáo dục ngoài công lập); đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ) đối với các trường hợp trên, chỉ đạo triển khai bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

* Hải Phòng ban hành Chỉ thị cấp bách phòng, chống Covid-19

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về tổ chức thực hiện và nhanh chóng triển khai tới các chi bộ cơ sở.

Theo đó, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng chỉ thị thành lập, bổ sung, tăng cường lực lượng cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố; bổ sung, tăng cường lực lượng cho các chốt kiểm soát tại tất cả các cửa ngõ ra vào thành phố với 44 thành viên, gồm 20 công an, 20 quân đội, bốn cán bộ y tế cùng trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị chuyên ngành, chia bốn ca, hoạt động 24/24 giờ các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Bí thư các quận ủy, huyện ủy có trách nhiệm chỉ đạo lập các chốt kiểm soát cấp quận, huyện tại khu vực có địa giới hành chính giáp ranh để kiểm soát các cửa ngõ ra, vào các quận, huyện bảo đảm tránh chồng chéo. Mỗi chốt không quá 20 thành viên; thành phần chính là các lực lượng của quận, huyện quản lý như: công an, quân đội, y tế, quân nhân dự bị. Thành lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã, phường, thị trấn sẽ căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn để bố trí phù hợp, tránh chồng chéo. Mỗi chốt không quá 10 thành viên là lực lượng của xã, phường, thị trấn quản lý: công an, dân quân, dân phòng, y tế. Các chốt này triển khai nhiệm vụ trong ngày 1-4.

Đối với các tổ công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 đã thành lập trước đó, nay bổ sung, tăng cường thêm tám thành viên gồm: đại diện Mặt trân Tổ quốc, Chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân và bốn đến năm Đoàn viên thanh niên, bảo đảm mỗi tổ công tác không quá 20 thành viên, thực hiện việc phân công nhiệm vụ phù hợp với tình hình và sức khỏe, độ tuổi của các thành viên.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo duy trì, bảo đảm lưu thông hàng hóa, hoạt động của chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân... Đồng thời, xây dựng phương án bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân khu vực khó khăn trong thời gian cách ly toàn xã hội... Chỉ đạo dừng hoạt động đối với tất cả các bến phà, đò ngang kết nối thành phố với các tỉnh lân cận từ ngày 1-4-2020. Tăng cường kiểm soát, quản lý xe đưa đón người lao động từ tỉnh ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn; yêu cầu các doanh nghiệp có biện pháp phòng, chống Covid-19 cho công nhân, người lao động. Ban hành mức hỗ trợ tiền ăn đối với người cách ly y tế tập trung; chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch; chế độ đối với người tham gia thường trực chống dịch; hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho người dân trong vùng có dịch; chế độ bồi dưỡng với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành tốt yêu cầu ở tại nhà, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ không bị đóng cửa; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu hai mét khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Yêu cầu nhân dân không ra khỏi nhà sau 22 giờ, trừ trường hợp cấp cứu, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt khác. Giao Công an thành phố triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định. Thủ trưởng các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập các cấp có phương án cụ thể quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở nhà bằng hình thức trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tình hình của từng đơn vị; đối với một số ngành, lĩnh vực như Cục Thuế thành phố, Kho bạc thành phố, Cục Hải quan... triển khai nhiệm vụ chuyên ngành hằng ngày cần có biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị.

Bí thư các quận ủy, huyện ủy, người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị thành phố trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, kiểm tra, đôn dốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của địa phương, đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình, kết quả thực hiện.

* Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết về phòng, chống dịch bệnh

Bạn Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Với tinh thần chủ động, khẩn trương, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết. Người đứng đầu cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung cao độ, huy động toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cơ bản vẫn được làm việc, nhưng giảm số người lao động, giãn mật độ tập trung đông người và phải bảo đảm an toàn, đeo khẩu trang, phun khử khuẩn và các quy định y tế hiện hành. Riêng các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí yêu cầu đóng cửa. Giao thủ trưởng các cơ quan nhà nước chủ động sắp xếp cán bộ, công chức và cách thức làm việc hợp lý, có thể làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm hoạt động của cơ quan.

Các trường hợp thường trú tại Vĩnh Phúc nhưng làm việc tại các địa phương khác, yêu cầu phải ký cam kết với cơ quan Công an sở tại về việc bảo đảm an ninh phòng dịch. Tuy nhiên, khuyến khích các trường hợp này ở lại địa phương từ ngày 1-4 đến 15-4.

Bảo đảm cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đầy đủ để phục vụ nhân dân, nhất là tại các đô thị, không gây tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu, hoang mang cho người dân.

Khẩn trương đưa các phòng xét nghiệm sàng lọc virus SARS- CoV-2 vào hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh...

Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ.

QUỐC TOẢN; QUANG DŨNG; TIẾN ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43874302-ha-noi-giam-5-kinh-phi-chi-thuong-xuyen-de-chong-dich.html