Hà Nội: Giảm ùn tắc giao thông từ những cây cầu vượt

góp phần giải quyết bài toàn ùn tắc giao thông ở các nút giao trọng điểm, từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã đầu tư, xây dựng hệ thống cầu vượt nhẹ với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Việc này được đánh giá là một trong những giải pháp đột phá, sáng tạo, góp phần tích cực giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, đặc biệt vào những giờ cao điểm.

Cuối năm 2011 là thời điểm Hà Nội đối mặt với nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng, toàn thành phố khi đó có rất nhiều “điểm đen” về ùn tắc giao thông. Cảnh tượng diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm đó là tình trạng xe cộ chen chúc, chỉ gặp sự cố nhỏ là ùn tắc kéo dài. Đứng trước tình thế đó, hàng loạt giải pháp từ cấp bách đến lâu dài đã được Hà Nội nghiên cứu triển khai. Trong đó, chủ trương làm các cầu vượt nhẹ kết cấu thép tại các nút giao thông trọng yếu được lựa chọn là giải pháp tình thế, cấp bách giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

Hà Nội bắt đầu xây dựng cầu vượt ở các nút giao thông trọng điểm từ năm 2012 và công trình mới nhất là cầu vượt nút giao An Dương – đường Thanh Niên được khánh thành cách đây hơn một tháng.

2012 là năm đầu tiên TP Hà Nội bắt đầu xây dựng và khánh thành 4 cây cầu vượt nhẹ. Trong đó, cầu vượt Trần Duy Hưng - Láng khánh thành vào ngày 16/12/2012, sau 7 tháng thi công.

Cũng trong năm 2012, thông xe cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà dài 220m, mặt cắt ngang 12m, tổng kinh phí hơn 222 tỷ đồng và cầu vượt nút giao Nam Hồng, Đông Anh trị giá trên 300 tỷ đồng.

Cầu vượt tại đường Lê Văn Lương - Láng Hạ rộng 9m, dài 315m, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, thông xe năm 2012.

Trong năm 2016, Hà Nội khánh thành hàng loạt cầu vượt nhẹ, bao gồm cây cầu ở khu vực Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng. Cầu này dài hơn 595m, tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng.

Cuối năm 2016, thành phố khánh thành cầu vượt kết cấu thép ở nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái với tổng mức đầu tư trên 166 tỷ đồng. Công trình này có tổng chiều dài 232m, bề rộng 12m, được chia làm 2 làn xe chạy.

Tháng 3/2017, Hà Nội khánh thành cầu vượt thép dài 400m ở nút giao Cổ Linh, Long Biên (cạnh đầu cầu Vĩnh Tuy) với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng. Cầu có chiều rộng 12m với 4 làn xe chạy.

Ngày 11/10, Hà Nội thông xe cầu vượt nhẹ nút giao An Dương - Thanh Niên. Đây là cầu vượt nhẹ thứ 12 được xây dựng ở Hà Nội trong 6 năm qua.

Đánh giá về vai trò của cầu vượt trong việc giải quyết bài toán giao thông tại Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Có thể nói từ 2012 với sự quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội chúng ta đã xây dựng được hệ thống các cầu vượt và những cầu vượt này có thể nói là một trong những giải pháp khắc phục được phần nào hiện tượng ách tắc giao thông cục bộ. Tuy nhiên, hệ thống các cầu vượt này vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Thứ nhất là quy mô của các cầu vượt, hiện nay mới chỉ giải quyết giao thông đơn giản còn một số phương tiện giao thông với trọng tải lớn vẫn chưa được lên cầu. Thứ hai là hình thức của các cầu vượt, cầu vượt là điểm nhấn về mặt không gian, không chỉ phục vụ giao thông mà còn tạo ra giáo dục thẩm mỹ cho người dân. Đây là vấn đề tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm nhiều hơn nữa để chúng ta đạt được đa dạng mục tiêu và như vậy mới xứng với ngân sách chúng ta bỏ ra”.

Khánh An

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-giam-un-tac-giao-thong-tu-nhung-cay-cau-vuot.html