Hà Nội: Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hiện vẫn còn một số chỉ tiêu khó, vướng mắc cần tập trung thực hiện để đảm bảo đạt tiến độ, tạo diện mạo mới cho đô thị và phát triển kinh tế đô thị như mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá tại huyện Thanh Trì nhìn từ trên cao (Ảnh: Khánh Huy)

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 03-CTr/TU) đã tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Như báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU, đến nay Chương trình đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu lớn; có 10/19 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện còn một số chỉ tiêu gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Chỉ tiêu hạ ngầm cáp điện lực, thông tin; Chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30-35%; Chỉ tiêu “Triển khai đầu tư xây dựng 01-02 khu outlet quy mô lớn”; Chỉ tiêu đầu tư 20 chợ; Chỉ tiêu nước thải đô thị được xử lý 50-55%.

Đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30-35%”, thống kê cho thấy đến hết 9 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ này đạt 19,5%, trong khi mạng lưới đường sắt đô thị sau năm 2030 dự báo sẽ vận chuyển 3,2 triệu lượt hành khách/ngày (đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng).

Quang cảnh Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Chương trình 03/CTr-TU

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội, chỉ tiêu này khó, do mới có 1 tuyến đường sắt đô thị, 1 tuyến buýt nhanh BRT, xe buýt công cộng trợ giá cũng sụt giảm sau dịch Covid-19, nên cũng ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu. Cùng với đó, phương tiện giao thông cá nhân - nhất là ô tô con tăng nhanh. Trong khi đó phương tiện công cộng như xe buýt không tiếp cận được thêm lượng khách hàng mới do thời gian di chuyển lâu, ùn tắc giao thông kéo dài đặc biệt là giờ cao điểm. Các tuyến đường sắt đô thị đa phần vẫn đang trong quá trình xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư, chưa hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng.

Chỉ tiêu “Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%”, tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ nước thải đô thị đạt 30,9%. Để hoàn thành chỉ tiêu này phụ thuộc vào việc hoàn thành dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên dự án còn một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, đấu thầu lại đơn vị thi công, công tác quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải... Hiện những khó khăn này đang được các cấp, các ngành tập trung giải quyết. Ban quản lý Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp TP hứa sẽ bảo đảm hoàn thành theo tiến độ.

Về chỉ tiêu hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới, tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ. Hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn chưa được giải quyết dứt điểm; các quận, huyện chưa quyết liệt trong việc rà soát, triển khai thực hiện chỉ tiêu.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin tại hội nghị

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện Sở Xây dựng đang yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cải tạo hè phố kết hợp với hạ ngầm các đường dây cáp, điện lực, viễn thông theo cấp độ 2 (hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực kết hợp chỉnh trang hè đường phố) và cấp độ 3 (hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực kết hợp chỉnh trang hè đường phố và nâng cấp, chỉnh trang tuyến phố) theo hình thức đầu tư công. Đồng thời tổng hợp nguồn vốn đề xuất thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay Sở Xây dựng mới nhận được văn bản của UBND 6 quận, huyện (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì), Sở Công Thương và văn bản của Điện lực TP Hà Nội. Còn 7 quận, thị xã chưa có văn bản báo cáo rà soát, đề xuất gửi Sở Xây dựng...

Thực hiện Thông báo kết luận Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU tại Hội nghị giao ban quý III/2023, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, thị xã Sơn Tây khẩn trương rà soát, báo cáo đề xuất phương thức đầu tư hạ ngầm các đường dây cáp đi nổi đồng bộ với chỉnh trang đô thị. Cùng với đó, đề nghị Sở Công Thương và Điện lực TP Hà Nội đề xuất phương thức đầu tư, có kế hoạch cụ thể, khả thi đối với việc hạ ngầm các đường dây cáp điện lực vào hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung do UBND các quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng, tổng hợp gửi Sở Xây dựng trước ngày 5/12/2023.

Đến nay Sở Xây dựng mới nhận được văn bản báo cáo, đề xuất của UBND một số quận, huyện (Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông, Thị xã Sơn Tây, Nam Từ Liêm). Chủ yếu các quận vẫn đề xuất thực hiện hạ ngầm điện lực, viễn thông bằng nguồn vốn xã hội hóa, do đó UBND các quận phải quyết liệt đề xuất phương án để triển khai.

Theo đại diện ngành điện lực TP, ngành điện có nhiều khó khăn về nguồn vốn để hạ ngầm 220 tuyến phố với 1.800 tỷ. Vì vậy, ngành điện lực TP đề xuất được vay mốt số nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của TP để thực hiện hạ ngầm theo kế hoạch...

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU nhấn mạnh, trong thời gian tới các đơn vị cần tiếp tục tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu. Trong đó, các sở, ngành khẩn trương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai rà soát cho tiết quy mô, tiến độ, thời gian hoàn thành việc đầu tư xây dựng chỉ tiêu đầu tư xây dựng các chợ (đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo chợ).

Đồng thời, sớm xây dựng trình tự, thủ tục cập nhật quỹ đất để thực hiện dự án xây dựng 01-02 khu Outlet quy mô lớn vào các quy hoạch của TP đang triển khai; hoàn thành việc rà soát, đánh giá nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất; cơ chế lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu khó như: Hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp TP phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ, đề xuất các giải pháp khắc phục các nội dung tồn tại, khó khăn để triển khai các gói thầu thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-go-kho-de-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-chinh-trang-do-thi.html