Hà Nội: Hiện đại hóa dịch vụ xe buýt

Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng hành khách đi xe buýt tăng lên, chất lượng dịch vụ cải thiện tích cực.

Nhiều người cao tuổi lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại vì an toàn Ảnh: Hà Thanh/TTXVN

Cụ thể, sản lượng hành khách Tổng công ty vận tải vận chuyển tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khách vé lượt tăng 19%, sản lượng khách vé tháng tăng 49%. Đối với hoạt động buýt thương mại, 2 tuyến buýt sân bay số 68, 86 hoạt động khá ổn định với số chuyến tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ khách bình quân lần lượt đạt 10,2 và 18,1 khách/lượt. Ngoài ra, tuyến buýt Citytour đã vận hành 6.042 lượt xe, bình quân 17,8 khách/lượt, doanh thu ước đạt 138,8% kế hoạch. Trong các dịp Lễ 30/4-1/5 và 2/9, tuyến buýt Citytour đã thực hiện 170 lượt vận chuyển miễn phí cho hơn 8.500 hành khách, được người dân ghi nhận, hưởng ứng và đánh giá cao.

Như vậy, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19, hoạt động xe buýt dần trở lại bình thường như trước khi có dịch, sản lượng hành khách đi xe buýt ngày càng tăng.

Thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, từ ngày 15/11 tới, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông cộng cộng.

Xe buýt được nhiều người dân các khu đô thị lựa chọn làm phương tiện đi lại Ảnh: Hà Thanh/TTXVN

Hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Thông qua việc thí điểm, phố Hà Nội cũng xác định giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ làm cơ sở hình thành hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức trên địa bàn thành phố.

Theo đó, phạm vi thí điểm vé điện tử (vé lượt, vé tháng một tuyến, vé tháng liên tuyến) đối với 24 tuyến xe buýt gồm: tuyến buýt nhanh BRT; 02; 08; 21; 32; 58; 64; 65; 74; 103; 142; 143; 146; 157; 159; E01; E02; E03; E04; E05; E06; E07; E08; E09. Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua website, qua app mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code,...

Trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục thí điểm hệ thống vé điện tử kết nối liên thông với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. Việc triển khai thí điểm do 3 đơn vị là liên minh Asim-VPBank, Tập đoàn công nghệ Vietsens và Công ty cổ phần Unit phối hợp với Napas thực hiện.

Vận tải khách công cộng năng lượng xanh

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng đang xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng năng lượng xanh.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đào Việt Long, để thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng xanh, Sở sẽ xây dựng các nguyên tắc chuyển đổi, lộ trình chuyển đổi, số lượng phương tiện chuyển đổi theo hướng lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt sử dụng điện và xe buýt sử dụng khí CNG…

Việc chuyển đổi phương tiện đối với các tuyến buýt đang khai thác được thực hiện theo lộ trình, ưu tiên trước cho các tuyến buýt có phạm vi hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm, khu vực nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn như nhà ga, bến xe, sân bay.

Lộ trình chuyển đổi cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (từ năm 2025 - 2030), tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm. Số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm. Giai đoạn 2 (từ năm 2031-2035), tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm.

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thành phố sẽ rà soát và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt (lớn, trung bình và nhỏ) sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu/đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Sở Giao thông Vận tải cũng xây dựng và trình UBND thành phố Hà Nội ban hành hạn mức, quy trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất để đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (trạm sạc điện, trạm nạp năng lượng, depo, bãi đỗ xe).

Hà Thanh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-hien-dai-hoa-dich-vu-xe-buyt/314570.html