Hà Nội: Huyện Đông Anh đẩy mạnh đầu tư xây dựng hoàn thiện tiêu chí thành quận

Năm 2023 được xem là năm bản lề để huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội hoàn thiện nốt các tiêu chí để trở thành quận, trong đó công tác quy hoạch, xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tăng cường công tác quy hoạch, xây dựng

Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định đến năm 2025, thành phố phấn đấu đưa 5 huyện thành quận, trong đó có huyện Đông Anh. Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, huyện Đông Anh đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để "lên" quận trong năm 2023, chậm nhất là năm 2024.

Hiện Đông Anh đã hoàn thiện nhiều tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, các giá trị văn hóa truyền thống đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên, thời gian qua, Huyện ủy đã xây dựng ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả 2 Chỉ thị, gồm: Chỉ thị số 16-CT/HU và Chỉ thị số 17-CT/HU về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đảm bảo trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo đạt kết quả.

Vì vậy, công tác lập quy hoạch được quan tâm chỉ đạo, trong đó tập trung đẩy nhanh hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu vực dân cư trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2022 - 2023 làm cơ sở để thực hiện đầu tư, tạo nguồn lực và quản lý theo quy hoạch được duyệt, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch.

Xét về quy hoạch giao thông đô thị, huyện Đông Anh nổi lên như một điển hình về sự bứt phá hạ tầng mạnh mẽ thời gian qua.

Cụ thể, huyện đã tiếp nhận công bố và bàn giao 5 đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000; tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 4 xã (Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm) tỷ lệ 1/5000; hoàn thành phê duyệt, tổ chức phối hợp công bố, bàn giao 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị còn lại; hoàn thành phê duyệt 3 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

“Đối với công tác lập, thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tính đến hết 2022 đã hoàn thành phê duyệt 28 đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư, nâng tổng số đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có được phê duyệt trên toàn huyện là 59 đồ án, gồm 52 thôn làng, tổ dân phố, nâng tổng số đồ án được phê duyệt là 59/82 đồ án được giao nhiệm vụ”, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên thông tin.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được huyện xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân… Hầu hết công tác giải phóng mặt bằng các dự án đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có những công trình dự án của thành phố và dự án trọng điểm của huyện.

Ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đông Anh sẽ trở thành đô thị trung tâm, một quận của Thủ đô - Thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng.

Những năm gần đây, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế bền vững, toàn diện. Đặc biệt, Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025 được thành phố phê duyệt tạo thời cơ, vận hội mang tính lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh để trở thành đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội, với hàng loạt các dự án lớn, như: Thành phố thông minh, công viên Kim Quy, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia... Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng Đông Anh trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc Thủ đô.

Đông Anh kỳ vọng trở thành địa hạt hấp dẫn, quy tụ các tên tuổi hàng đầu của thị trường địa ốc Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ huyện Đông Anh lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở Đảng, chính trị trong sạch, vững mạnh; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế đô thị nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo quy hoạch, kết nối đồng bộ với hạ tầng khu đô thị mới, hạ tầng khung; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ 3 khâu đột phá: Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp mô hình chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, hiện đại; Khai thác nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời chủ động đối thoại, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để định hướng, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra trong tiến trình phát triển. Ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch và doanh nghiệp công nghiệp có hàm lượng chất xám cao...

Bên cạnh đó, sẽ phát huy tối đa tiềm năng của làng nghề, duy trì, khôi phục, phát triển một số làng nghề, ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp mới.

“Huyện cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng sớm hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện, khai thác Khu công nghiệp Đông Anh với quy mô 600ha theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao”, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay.

THẾ TRUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ha-noi-huyen-dong-anh-day-manh-dau-tu-xay-dung-hoan-thien-tieu-chi-thanh-quan-719916