Hà Nội khai trương không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông

Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông đi vào hoạt động nhằm phát huy lợi thế khu vực Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quan và các cụm di tích tạo ra khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, giải trí của nhân dân, từ đó góp phần phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ...

Tối ngày 30/12, UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tổ chức lễ khai trương không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đã tham dự.

Các đại biểu nhấn nút khai trương tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận.

Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh, không gian phố đi bộ đi vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của khu vực Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa kết hợp với tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” tạo ra khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm gắn với ẩm thực của nhân dân, từ đó góp phần phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Nguyễn Quang Trung cho biết, để phố đi bộ duy trì hoạt động hiệu quả, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục hoàn chỉnh thiết kế đô thị, đầu tư nâng cấp chỉnh trang cảnh quan, định hình không gian giao lưu văn hóa, ẩm thực đặc sắc, góp phần thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến với quận Hai Bà Trưng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ là nơi gắn kết các hoạt động văn hóa, cảnh quan với Công viên Thống Nhất. Theo đó, tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ gắn với Công viên Thống Nhất tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa hai không gian sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực..., phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển kinh tế, trong đó có phát triển mô hình kinh tế đêm.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị quận Hai Bà Trưng phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục quán triệt chủ trương phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đô thị, gắn với kinh tế đô thị là trung tâm. Trong đó phát triển văn hóa và dịch vụ văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng. Đồng thời, quận phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ toàn diện các nội dung phương án hoạt động trong khu phố đi bộ giai đoạn 1 sáng tạo, phù hợp để phát huy tiềm lực, lợi thế và phát triển du lịch theo hướng bền vững, liên kết giữa các địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, trong giai đoạn 2, sau khi hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 của Công viên Thống Nhất sẽ nghiên cứu, mở rộng hơn đối với các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du. Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép trong không gian đi bộ các công trình quan trọng tại khu vực như: Nhà hát Chèo, Rạp xiếc Trung ương, kết hợp từng bước mở toàn bộ hàng rào Công viên Thống Nhất… các không gian ngầm, công trình kiến trúc nổi bật tạo điểm nhấn bền vững về không gian, cảnh quan, nơi diễn ra những sự kiện văn hóa quan trọng của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu, quá trình thực hiện cần nghiên cứu gắn với thực tiễn để phát huy, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả; giữ gìn cảnh quan, quan tâm đầu tư, huy động xã hội hóa để làm đẹp hơn tuyến phố, xây dựng các công trình điểm nhấn kiến trúc làm đẹp cảnh quan khu vực; chỉ đạo các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để tạo không gian an toàn, thân thiện, gần gũi phục vụ nhân dân.

Người dân Thủ đô mua sắm hàng hóa tại không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông.

Sau lễ khai trương, các đại biểu, du khách đã đi tham quan không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm quần áo, ẩm thực, đồ lưu niệm, hàng nông sản, sản phẩm OCOP địa phương…, xem biểu diễn nghệ thuật đường phố, nhảy sạp, kéo co, nhảy dây.

Tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông có chiều dài khoảng 1.600m từ nút giao từ phố Quang Trung đến nút giao Trần Bình Trọng, trục chính Công viên Thống Nhất (đoạn từ cổng Công viên Thống Nhất đến hồ Bảy Mẫu) và toàn bộ khu vực vườn hoa, cây xanh, đường dạo xung quanh hồ Thiền Quang, tổng diện tích sử dụng khoảng 109.300 m2. Trong giai đoạn 1, không gian đi bộ hoạt động từ thứ Bảy đến Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, sự kiện theo kế hoạch. Giờ hoạt động mùa hè từ 7h30 thứ Bảy đến 24h Chủ nhật. Mùa đông từ 8h thứ Bảy đến 24h Chủ nhật. Các dịp lễ hoặc khi có sự kiện đặc biệt sẽ được thông báo trước về kế hoạch tổ chức.

Tin, ảnh: N.Dương

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/ha-noi-khai-truong-khong-gian-pho-di-bo-tran-nhan-tong-629042.html