Hà Nội khẩn trương tháo gỡ các bất cập liên quan tới vỉa hè lát đá

Những ngày cuối năm 2022, vấn đề lát đá vỉa hè ở TP Hà Nội lại nóng lên với những vấn đề chất lượng và công tác quản lý, sử dụng vỉa hè sau khi cải tạo.

Nhiều ý kiến liên quan tới công tác xây dựng, giám sát chất lượng, cũng như quản lý sử dụng vỉa hè mới sau khi nâng cấp đã được chính quyền TP Hà Nội đang lắng nghe một cách nghiêm túc và xử lý kịp thời.

Chủ trương đúng vì Thủ đô văn minh, sạch đẹp

Từ năm 2012, TP Hà Nội thực hiện đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”, mục tiêu đến năm 2020 sẽ tiến hành cải tạo, chỉnh trang hè phố tại 900 tuyến đường của 12 quận nội thành.

Tới năm 2016, thành phố tiếp tục ban hành một số quy định mới về cải tạo hè phố, trên cơ sở đó các đơn vị chuyên môn do UBND thành phố giao nhiệm vụ đã tham mưu và được chấp thuận phương án sử dụng đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống làm vật liệu lát vỉa hè.

Loại vật liệu mới này kết cấu bền vững, tuổi thọ từ 50-70 năm, góp phần quan trọng vào việc tạo ra diện mạo mới trong quá trình chỉnh trang đô thị và tính thẩm mỹ trong việc bảo tồn công trình văn hóa, công trình có kiến trúc riêng biệt của Thủ đô.

Lát đá vỉa hè là nhắm hướng tới xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội kết hợp giữa cổ kính và hiện đại.

Sau 6 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn thành phố có 255 tuyến hè phố đã được lát đá tự nhiên, tập trung chủ yếu tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...

Điều đáng nói, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tuổi thọ vỉa hè lát loại đá này không kéo dài như đánh giá, thậm chí nhiều tuyến vỉa hè đã nhanh chóng xuống cấp, nứt vỡ chỉ sau vài năm. Đi dọc những tuyến phố: Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Giải Phóng, Lê Văn Lương... không khó để bắt gặp những hình ảnh những tuyến vỉa hè lát đá vỡ nham nhở.

Từ đầu năm 2018, khi thấy những hiện tượng xuống cấp của nhiều tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên, các cơ quan chức năng của thành phố đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu. Riêng Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi năm tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đối với việc đảm bảo thiết kế, chất lượng vật liệu. Trong năm 2022, Sở đã kiểm tra đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố trên địa bàn, phát hiện nhiều tồn tại.

“Một số vị trí thi công chưa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận. Công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa đảm bảo theo quy định. Đặc biệt là những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng, bảo trì hè sau đầu tư tại một số tuyến phố, nhiều nơi vỉa hè còn bị chiếm dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh của người dân”, Phó giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết.

Trước những vấn đề nêu trên, lãnh đạo TP Hà Nội ngay lập tức vào cuộc chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Cụ thể, vào đầu tháng 12-2022, tại Văn bản số 12540/VP-ĐT, Văn phòng UBND thành phố truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè.

Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các sở, ngành thành phố và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn sử dụng vật liệu, kết cấu và thẩm định quy trình kỹ thuật trong thi công, quản lý chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tiếp tục ra chỉ đạo, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát và tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 12-2022, trường hợp vi phạm cần chấm dứt ngay; yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng xử lý nghiêm phương tiện xe trọng tải lớn đi trên hè phố, đánh giá nguyên nhân xảy ra tình trạng xuống cấp; nâng cao vai trò của UBND xã, phường, thị trấn và tổ dân phố trong việc giám sát thi công, quản lý sử dụng vỉa hè.

Hình ảnh vỉa hè nứt vỡ sau thời gian ngắn sử dụng gây nhiều bức xúc trong người dân.

Cần có biện pháp giám sát thi công và sử dụng vỉa hè hợp lý

Một trong những vấn đề được ý kiến nhiều nhất trong thời gian qua là: Tại sao trước khi triển khai xây dựng phía cơ quan quản lý và nhà thầu khẳng định sử dụng vật liệu bền vững, tuổi thọ 50-70 năm, mà chỉ dùng vài năm đã hỏng?

Đối với vấn đề chất lượng vật liệu, theo Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, TS Thái Duy Sâm, trên thị trường hiện có rất nhiều loại vật liệu lát vỉa hè, trong đó có đá và vật liệu giả đá có tính chất lý hóa kém hơn so với đá tự nhiên. Vì vậy, cần phải kiểm tra chất lượng vật liệu có đáp ứng được yêu cầu về độ bền, cứng, uốn... trước khi đưa vào thi công.

“Bên cạnh đó cũng cần kiểm tra chất lượng thi công nền vỉa hè, vật liệu làm nền vỉa hè. Bởi vì nền vỉa hè phải đủ chắc, nếu thi công không đảm bảo cũng dẫn tới hiện tượng đá lát bề mặt sẽ bị gãy, vỡ”, TS Thái Duy Sâm nói.

Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội với chức năng là cơ quan giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nhanh của những công trình vỉa hè, như: Có dự án, hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát, mạch lát; thiếu thiết kế chi tiết tại các vị trí góc bó vỉa; không cung cấp được giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành đối với vật liệu đá tự nhiên theo quy định; tần suất lấy mẫu, kết quả thí nghiệm chưa đảm bảo. Một điều đáng chú ý khác là vật liệu đá chưa đạt yêu cầu về chiều dày, tiêu chuẩn kỹ thuật về độ bền uốn, hút nước, độ cứng bề mặt...

Ngoài vấn đề thi công và chất lượng vật liệu, một vấn đề khác cũng ảnh hưởng là “văn hóa vỉa hè” của người dân đô thị ở Việt Nam. Thực tế, vỉa hè đang không được sử dụng đúng với chức năng của nó là dành cho người đi bộ. Vỉa hè đã được người dân tận dụng làm địa điểm kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; làm bãi trông giữ phương tiện giao thông, tập kết vật liệu xây dựng; thậm chí còn được sử dụng làm tuyến giao thông “giải cứu” vào giờ cao điểm cho các phương tiện cơ giới...

TP Hà Nội đã ghi nhận kiến nghị của người dân để chấn chỉnh và tăng cường giám sát thi công, cũng như quản lý sử dụng các tuyến vỉa hè lát đá sau khi nâng cấp.

“Quá trình thi công không đảm bảo chất lượng, đầm nền không tốt sẽ dẫn đến lún, sụt, chỉ một thời gian ngắn đá có thể bị vỡ. Nhưng bên cạnh đó do ý thức sử dụng vỉa hè của người dân, nhiều đoạn vỉa hè mới lát chưa đủ 8-10 tiếng thì ô tô, xe máy đã lao lên; người dân tự đục vỉa hè làm lối lên xuống; có nơi cho phép đỗ ô tô trên vỉa hè hoặc cho phép cạy vỉa hè lên để hạ ngầm đường dây, khi hoàn trả không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật…”, chuyên gia Trần Huy Ánh phân tích.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng đá tự nhiên để lát vỉa hè là lãng phí, không cần thiết. Nhưng cho dù sử dụng loại vật liệu gì chăng nữa ngoài trách nhiệm kiểm tra, giám sát về chất lượng công trình, vật liệu thi công từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, rất cần người dân nâng cao ý thức sử dụng. Với việc UBND TP Hà Nội mạnh tay hơn trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý, sử dụng vỉa hè, mong rằng trong thời gian tới, đây sẽ không còn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi như hiện nay.

“Chỉnh trang, lát mới vỉa hè là việc cần làm nhưng TP Hà Nội nên khảo sát, xem lại những tuyến phố vỉa hè còn tốt không cần lát lại, chỉ nên lát lại khi thực sự xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Để chủ trương cải tạo vỉa hè mang lại hiệu quả, tránh lãng phí”, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị.

Bài, ảnh: NGỌC HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ha-noi-khan-truong-thao-go-cac-bat-cap-lien-quan-toi-via-he-lat-da-714693