Hà Nội không vội không xong: Phải thay đổi từ đâu?

Hà Nội đang yếu ở khâu nào thì tập trung cải thiện tốt khâu đó. Khi Hà Nội làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế, sẽ có tác động lan tỏa...

Đó là nhận định của TS Trần Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN), thành viên Hội đồng kinh tế Quỹ Nofosted khi bàn về sự thay đổi trong tư duy phát triển của Hà Nội.

TS Trần Quang Tuyến và các cộng sự có nhiều nghiên cứu về tác động chất lượng quản trị công cấp tỉnh tới hiệu quả doanh nghiệp và mức sống dân cư ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của tác giả và cộng sự đã được xuất bản trên các tập san quốc tế uy tín trong danh mục ISI (SSCI) như các tạp chí: Journal of Business Ethics, Estudios de Economia, Children and Youth Services Review và International Journal of Social Welfare.

PV: Từ nhiều năm nay, câu nói mang nhiều tính chất bông đùa "Hà Nội không vội được đâu" bị coi như một đặc điểm, một điểm nghẽn trong sự phát triển của Hà Nội. Có rất nhiều câu chuyện khiến dư luận quan tâm, ví dụ, không thể tìm ra việc chạy công chức 100 triệu đồng, hay cắt ngọn tòa nhà xây dựng sai phép 8B Lê Trực...

Thưa ông, ông bình luận thế nào về thực trạng trên? Đó có phải là 'đặc sản' của Hà Nội hay là vấn đề chung mà nhiều địa phương đang mắc phải? Biểu hiện nặng nhất và gây ra nhiều hệ lụy nhất của việc 'không vội được đâu' nằm ở khâu nào?

TS Trần Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN).

TS Trần Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN).

TS Trần Quang Tuyến: Tôi chỉ nghĩ rằng câu nói "Hà Nội không vội được đâu" bắt nguồn từ câu nói quen thuộc của nhiều người về giao thông của Hà Nội. Bởi Hà Nội hay tắc đường, người xe ùn ứ, đông đúc nên "không vội được đâu".

Còn bắt sang câu chuyện kinh tế của Hà Nội, để xem câu nói "Hà Nội không vội được đâu" có phải để chỉ sự chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, hay vấn đề về quản trị công hay không thì chúng ta cần phải có các chỉ số để đánh giá một cách khách quan hơn.

Đương nhiên, không có chỉ số đánh giá nào là hoàn hảo, nhưng những chỉ số như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng là những tham vấn tin cậy được, bởi chúng đã được thực hiện trong nhiều năm và được các tổ chức, nhà khoa học thừa nhận.

Đối với chỉ số PCI, dẫu nó không phản ánh toàn diện nhưng ít nhất nó cũng cho thấy phần nào bức tranh về việc thực hiện thủ tục hành chính, các quy định... của các địa phương.

Đó là sự đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng điều hành, quản trị kinh tế của địa phương, thể hiện qua 11 chỉ số thành phần, chẳng hạn như Tiếp cận đất đai, Giải quyết thủ tục hành chính, Đào tạo lao động, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...

Theo bảng xếp hạng PCI năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Hà Nội đạt 64,71 điểm, xếp vị trí thứ 13/63, tăng 1 bậc so với PCI năm 2016.

Như vậy, Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và xét trong mặt bằng chung, đó không phải là một kết quả tệ. Tuy nhiên, nếu nhìn Hà Nội như một đầu tàu kinh tế và kỳ vọng Thủ đô phải đi đầu thì kết quả ấy có lẽ chưa được như mong muốn.

Trong khi đó, chỉ số PAPI phản ánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân đối với hiệu quả quản trị, hành chính công và cung cấp dịch vụ công ở cấp trung ương và địa phương.

Đây được xem là khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.

Kết quả khảo sát xã hội học PAPI 2017 cho thấy, Hà Nội đạt 34,64 điểm, nằm trong nhóm có chỉ số PAPI thấp nhất nước. Các chỉ số đánh giá về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công đều bị đánh giá ở mức thấp nhất.

PV: Mới đây, tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ý kiến, từ nay Hà Nội không vội không xong. Thưa ông, ông bình luận như thế nào về ý kiến trên? Theo quan điểm cá nhân ông, Hà Nội nên vội ở khâu nào là nhất? Và để thay đổi, Hà Nội có phải đối diện với những khó khăn, vướng mắc thế nào?

TS Trần Quang Tuyến: Có lẽ Thủ tướng muốn nói rằng, Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước thì kỳ vọng phải cao hơn nữa và phải làm tốt hơn nữa.

Chẳng hạn, chỉ số PCI của Hà Nội năm 2017 đứng thứ 13/63 tỉnh thành không phải là thấp nhưng Hà Nội nên đạt vị trí cao hơn nữa. Tương tự, Hà Nội bị xếp vào nhóm có chỉ số PAPI trong nhóm thấp nhất nước, vậy thì với vị trí, vai trò của mình, Hà Nội nên cải thiện điều này.

Để làm được điều đó, Hà Nội nên xem các chỉ số thành phần nào đang thấp thì tập trung vào những lĩnh vực đó để cải thiện cho tốt hơn. Ví dụ, trong chỉ số PAPI, các chỉ số đánh giá về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công của Hà Nội đều ở mức thấp nhất, vậy Hà Nội nên tập trung cải thiện những chỉ số này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/ha-noi-khong-voi-khong-xong-phai-thay-doi-tu-dau-3360823/