Hà Nội: Không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 và triển khai công tác thanh tra chuyên ngành ATTP do UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 12/6 mới đây.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì ATTP và cũng là địa phương tổ chức bài bản, thành công mọi hoạt động từ chỉ đạo điều hành, truyền thông, kiểm tra xử lý vi phạm, ký cam kết đảm bảo ATTP… trong Tháng hành động vì ATTP.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đại diện cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố cho biết, với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra. Qua kiểm tra 18.989 cơ sở, có 15.501 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 81,6%, 2.853 cơ sở vi phạm, 1.251 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, có 133 cơ sở với 71 loại sản phẩm bị tiêu hủy, 52 cơ sở bị đóng cửa, 1.317 cơ sở bị nhắc nhở. Số mẫu được lấy xét nghiệm gồm 1.049 mẫu, trong đó có 199 mẫu thịt, 188 mẫu thủy sản, 200 mẫu rau củ quả, 218 mẫu thực phẩm ăn ngay, 226 mẫu ngũ cốc, hạt, quả khô, bột, 17 mẫu nước uống đóng chai, 1 mẫu kem; kết quả đạt 1.009/1.049 mẫu, tỷ lệ 96,2%. Xét nghiệm nhanh đạt 28.356/30.544 mẫu, chiếm tỷ lệ 92,8%.

Đánh giá qua 4 tuần đẩy mạnh thực hiện kiểm tra ATTP, TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không chú trọng đến sức khỏe cộng đồng. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn còn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở, trong khi đã xảy ra vi phạm thì cần phải xử lý theo quy định. Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, môi trường theo quy định. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn tồn tại. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.

Công tác kiểm tra ATTP được Hà Nội thực hiện thường xuyên trong Tháng hành động vì ATTP

Báo cáo về việc chuẩn bị cho công tác triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 10/7/2019 đến 10/7/2020, TS Trần Văn Chung cho biết, đến nay, tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, lực lượng được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP là 3.340 người; trong đó, tuyến quận, huyện, thị xã là 210 người, tuyến xã, phường, thị trấn là 3.130 người. Tính đến ngày 12/6, thành phố đã tổ chức 32 lớp đào tạo cho 2.676 cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP. Đối tượng thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, do số lượng công chức, viên chức đủ điều kiện giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến xã ít, phải đảm nhiệm nhiều công việc nên việc cử công chức, viên chức cấp xã đi học gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện UBND huyện Hoài Đức, quận Nam Từ Liêm và Tây Hồ cũng trình bày tham luận về những khó khăn trong công tác quản lý và triển khai thực hiện ATTP trong Tháng hành động. Kiến nghị, đề xuất UBND thành phố để cùng tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác ATTP trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã biểu dương kết quả mà Hà Nội đạt được trong Tháng hành động, đặc biệt là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến rõ nét, huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và được Chính phủ đánh giá cao. Nhờ vậy, mặc dù là thành phố lớn, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cao so với cả nước nhưng Hà Nội đã không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là giảm hẳn số vụ ngộ độc rượu so với năm 2017- 2018. Không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP mà trong suốt thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra ATTP đã được tăng cường, việc xử lý vi phạm đã nghiêm hơn. Tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay kết hợp diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi còn phức tạp ở nhiều địa phương nên các nguy cơ mất ATTP là rất lớn. Vì vậy, cần tăng cường kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tiêu thụ, vận chuyển lợn nhiễm bệnh trên thị trường. Riêng đối với tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần có những giải pháp đồng bộ và cụ thể hơn, hạn chế thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị, tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn không để thiếu cán bộ thanh tra, bảo đảm đủ người có chuyên môn, trình độ trong công tác triển khai mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP.

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-khong-xay-ra-ngo-doc-thuc-pham-trong-thang-hanh-dong-vi-an-toan-thuc-pham-nam-2019-121076.html