Hà Nội kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản

Nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn đã được TP Hà Nội kiến nghị với Bộ Xây dựng tại Hội nghị diễn ra ngày 6/11.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo, 10 tháng qua, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo việc lập, phê duyệt một số quy hoạch chi tiết, quy hoạch hai bên tuyến đường quan trọng, thiết kế đô thị; triển khai lập quy hoạch cải tạo xây dựng mới 28 khu chung cư cũ; tổ chức xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện các quy hoạch.

Công tác cấp phép xây dựng và hậu kiểm sau cấp phép xây dựng trên địa bàn, thời gian cấp phép xây dựng đã thực hiện giảm xuống chỉ còn 10 ngày làm việc (theo quy định là 15 ngày đối với công trình nhà ở riêng lẻ; 30 ngày đối với công trình khác); đồng thời, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 14/14 thủ tục cấp Giấy phép xây dựng.

Hệ thống các tuyến đường giao thông quan trọng tiếp tục được đầu tư nâng cấp như: khởi công tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng đường vành đai 3 - đường Phạm Văn Đồng; tiếp tục tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường vành đai 1 (Hoàng Cầu – Voi Phục); đang triển khai đường vành đai 3,5, các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 5…; khánh thành nút giao An Dương – Thanh Niên và cải tạo, mở rộng đường Nghi Tàm.

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Minh Châu

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Minh Châu

TP đã thực hiện 14 cuộc thanh tra, 216 cuộc kiểm tra; phát hiện 179 đơn vị vi phạm (178 tổ chức và 1 cá nhân); ban hành 144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Số công trình vi phạm về trật tự xây dựng giảm so với cùng kỳ các năm trước từ 12% năm 2017 xuống 6,3% năm 2018.

Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác rà soát, thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung đầu tư 5 khu nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; rà soát quỹ đất thí điểm thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại phục vụ cho công tác tái định cư; giao cho 19 đơn vị tự ứng vốn nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo, xây dựng mới 28 chung cư cũ trên địa bàn.

Tuy nhiên, 10 tháng qua, tiến độ triển khai một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm dẫn đến dự án phải bổ sung, điều chỉnh, đội vốn đầu tư. Vẫn còn vi phạm về trật tự xây dựng, tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất công; còn 44 công trình vi phạm tồn đọng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.

Công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư còn bất cập. Việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, tranh chấp diện tích sử dụng chung, thiết bị sử dung chung như thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, tranh chấp quỹ bảo trì chậm được giải quyết. Tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà diễn ra tại nhiều dự án dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự công cộng.

Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Xây dựng nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch - kiến trúc, phát triển đô thị, cấp phép xây dựng, hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể trong quy hoạch – kiến trúc, để bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch quản lý kèm theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, TP đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép TP chủ động xem xét, phê duyệt: điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, các bộ ngành có liên quan và được Chính phủ cho phép.

Hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện thí điểm một số đồ án quy hoạch mang tính chất đặc thù như: quy hoạch mạng lưới hệ thống không gian gara ngầm tại 4 quận nội thành, quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm; tổ chức rà soát quỹ đất bố trí 5 địa điểm xây dựng nhà ở xã hội tập trung; giải quyết quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội… Trong khi đó, các đơn vị tư vấn trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm để thực hiện các đồ án này, vì vậy TP chủ trương tổ chức thi tuyển hoặc mời các đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia. TP kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép chủ động phê duyệt dự toán nghiên cứu lập quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch đặc thù có yếu tố tư vấn nước ngoài.

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, TP kiến nghị Bộ Xây dựng phân cấp cho TP tự xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đối với các dự án xây dựng nhà ở trên 500 căn; báo cáo Chính phủ phân cấp cho TP tự tổ chức thẩm định, chấp thuận chủ trương dự án nhà ở quy mô trên 2.500 căn để giảm thủ tục hành chính...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà bày tỏ ấn tượng đối với sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của Thủ đô thời gian vừa qua. Hà Nội đã trở thành một đô thị đặc biệt với tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, là đô thị đặc biệt nên Hà Nội không thể xử lý các vấn đề như đối với các địa phương khác. Vì vậy, mức độ phân cấp, phân quyền phải cao hơn hẳn so với các địa phương khác.

Về các kiến nghị của Hà Nội, Bộ trưởng cho rằng, hầu hết các kiến nghị đều có cơ sở và được tổng kết từ thực tiễn, cần tháo gỡ để tạo thuận lợi cho TP quản lý phát triển đô thị. Ngay trong tháng 11, Bộ sẽ có phản hồi đối với các kiến nghị của TP, nêu rõ việc nào đồng ý, việc gì tiếp tục nghiên cứu, việc gì Bộ cùng với TP trình Chính phủ…

Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội chú ý phát triển nhà ở xã hội, xây dựng một kế hoạch tổng thể về phát triển nhà ở xã hội. Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, hiện có nhiều văn bản, chính sách về việc này nhưng thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn, do vậy Bộ trưởng mong muốn Bộ cùng TP nghiên cứu để có những mô hình cải tạo chung cư tối ưu./.

Minh Châu

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/ha-noi-kien-nghi-nhieu-van-de-lien-quan-den-quan-ly-nha-nuoc-ve-dau-tu-xay-dung-co-ban-504030.html