Hà Nội lần đầu thí điểm 'Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh' cho nạn nhân bạo hành, xâm hại

Sáng nay, 12/9, 'Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh' tại cộng đồng chính thức ra mắt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là mô hình mới, lần đầu tiên được thành lập trên địa bàn nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Sáng 12/9, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tổ chức lễ ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại cộng đồng (địa chỉ: số 360 phố Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. ĐT: 0243.8252627). Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: Hiện nay, một bộ phận gia đình vẫn còn tình trạng bạo lực, bạo hành tiềm ẩn trong các gia đình có tư tưởng định kiến giới.

Theo ông Phong, mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” giúp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; đồng thời giúp họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn.

Chính thức ra mắt mô hình "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh" của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh H.Hòa

Ông Đinh Hồng Phong cho rằng, đây là mô hình mới, được thí điểm đầu tiền trên địa bàn quận và cho thấy là mô hình thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng. Qua đó, xây dựng gia đình phát triển bền vững theo các tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Mỗi địa phương có tính chất đặc thù khác nhau, từ mô hình cụ thể của quận Hoàn Kiếm, cơ quan chức năng mong muốn đưa ra được mô hình chuẩn, đáp ứng được yêu cầu để trợ giúp hiệu quả cho nạn nhân bị bạo lực.

Trong đó, đảm bảo về cơ sở vật chất như: Nhà tạm lánh phải đảm bảo ít nhất 6m2/người; có trang thiết bị y tế, bếp ăn, vệ sinh. Đáp ứng được yêu cầu về sự an toàn cho nạn nhân; nạn nhân được tư vấn pháp lý.

Bên cạnh đó, mô hình phải đáp ứng được tiêu chuẩn về cán bộ, trình độ, kỹ năng theo yêu cầu của nhiệm vụ.

Nhà tạm lánh phải đảm bảo được các tiêu chí về sự an toàn, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực trợ giúp nạn nhân... (Ảnh H. Hòa)

Ông Phạm Ngọc Tiến cho biết thêm: Mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” này kế thừa hoạt động của mô hình cơ sở phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Dự kiến xây dựng và duy trì hoạt động tổng số 63 mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” trên cả nước.

Quá trình này vừa làm vừa rút kinh nghiệm để mô hình hoạt động thực sự hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng; đồng thời có thể nhân rộng hơn nữa để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ha-noi-lan-dau-thi-diem-dia-chi-tin-cay-nha-tam-lanh-cho-nan-nhan-bao-hanh-xam-hai-post48316.html