Hà Nội: Lật tẩy chiêu lừa đảo mua hàng thanh toán bằng internet banking

Qua nghiên cứu các phương thức bán hàng trực tuyến (online) và tiện ích trong việc thanh toán ngân hàng, Công nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để bán lấy tiền tiêu xài.

Công an TP Hà Nội vừa bắt giữ đối tượng Trần Xuân Công (SN 1995, HKTT Phượng Bãi, Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đấu tranh, Công khai nhận đã lừa đảo chiếm đoạt 4 điện thoại di động và 1 xe máy tổng trị giá 35 triệu đồng của 5 người khác nhau. Mở rộng điều tra, xác định Trần Xuân Công còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 20 người khác, tổng trị giá tài sản đối tượng chiếm đoạt được khoảng 150 triệu đồng.

Theo tài liệu điều tra, qua nghiên cứu các phương thức bán hàng trực tuyến (online) và tiện ích trong việc thanh toán ngân hàng, Công nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để bán lấy tiền tiêu xài.

Đối tượng Trần Xuân Công. Ảnh: Công an Hà Nội

Đối tượng Trần Xuân Công. Ảnh: Công an Hà Nội

Công sử dụng điện thoại có kết nối mạng internet truy cập vào trang web www.chotot.com để tìm thông tin những người có nhu cầu bán điện thoại di động và xe máy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Khi tìm được người bán phù hợp, Công chủ động liên lạc và hẹn gặp để xem điện thoại. Khi gặp người bán, Công vờ xem xét tình trạng máy, hỏi và mặc cả giá mua bán, rồi đồng ý mua điện thoại nhưng đề nghị được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua dịch vụ internet banking. Nếu người bán yêu cầu phải thanh toán bằng tiền mặt thì Công sẽ tìm cách thoái thác, không mua nữa. Nếu người bán đồng ý thanh toán bằng internet banking, Công sẽ yêu cầu cung cấp số tài khoản để chuyển tiền.

Khi được cung cấp số tài khoản, Công yêu cầu người bán điện thoại khôi phục dữ liệu điện thoại về cài đặt gốc, sau đó Công giả vờ sử dụng điện thoại để chuyển tiền nhưng thực chất Công sử dụng mẫu tin nhắn theo cú pháp chuyển tiền thành công của ngân hàng (do Công chuẩn bị từ trước) và sửa thông tin ngày giờ, số tiền, người nhận tiền sao cho phù hợp với cuộc mua bán đang diễn ra. Khi người bán điện thoại cài đặt xong, Công lấy điện thoại giả vờ kiểm tra lại, bí mật lưu số điện thoại cá nhân của Công vào máy điện thoại của người bán bằng tên ngân hàng mà người bán có đăng ký mở tài khoản. Thông tin số tài khoản của Công do Công bịa đặt dưới tên Hoàng Văn Tú và ngân hàng không cùng hệ thống với ngân hàng của người bán. Sau đó, Công sử dụng số điện thoại cá nhân gửi tin nhắn theo cú pháp chuyển tiền thành công đến số điện thoại của người bán. Nếu nạn nhân kiểm tra tài khoản ngân hàng và không thấy tiền chuyển về, Công giải thích rằng do khác ngân hàng nên phải mất một lúc, người bán mới nhận được (Công luôn chuẩn bị dữ liệu để đối tượng và người bán khác ngân hàng của nhau, và thường lừa đảo trong các ngày cuối tuần, có thể thông tin giao dịch bị chuyển chậm, để hợp lý hóa yếu tố lừa đảo này).

Cùng với đó, Công hối thúc người bán và nói rằng phải đi gấp, do vậy, nhiều người bán đã xuôi lòng và để đối tượng cầm điện thoại đi. Chỉ tới khi không thấy tiền chuyển vào tài khoản và gọi lại số điện thoại của Công, thấy báo “không liên lạc được”, người bán mới nhận ra mình đã bị lừa và làm đơn tố giác Công đến cơ quan Công an.

Qua sự việc này Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động và các thông tin khác cho những người không quen biết.

Khi phát hiện tin tức liên quan đến các đối tượng có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhanh chóng báo cho cơ quan công an.

Khi cần gặp để trao đổi mua hàng phải có 2 người trở lên, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường của đối tượng cần ghi âm, quay clip lại hoặc hủy bỏ giao dịch.

Trường hợp phải thanh toán bằng internet banking phải kiểm tra thật kỹ trước khi kết thúc giao dịch.

Lê Huy

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/ha-noi-lat-tay-chieu-lua-dao-mua-hang-thanh-toan-bang-internet-banking-14228.html