Hà Nội: linh hoạt đổ ải trong điều kiện khó khăn về nguồn nước

Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, thành phố Hà Nội có kế hoạch gieo cấy hơn 81 nghìn 242 ha lúa. Trong điều kiện mực nước trên hệ thống sông Hồng, Sông Đà xuống thấp nên Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp về công trình để khắc phục những khó khăn về nguồn nước sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất vụ Xuân đạt kết quả cao

Tranh thủ thời tiết thuận lợi và đủ nước sản xuất, nông dân ở nhiều địa phương của thành phố Hà Nội xuống đồng làm đất. Nhanh tay cuốc đất, be bờ dẫn nước vào ruộng, chị Nguyễn Thị Hoa và bà Trần Thị Nụ, chia sẻ:"- Nước đủ và thời tiết thuận lợi, đang bừa ngả, mạ đang thời gian chăm bón, gần 2 tuần nữa sẽ cấy.

- Lập Xuân có mưa phùn và rất thuận lợi. Mong muốn vụ Xuân được mùa cho nông dân đỡ vất vả".

Công nhân vận hành tại Trạm bơm Ấp Bắc - Công ty đầu tư thủy lợi Hà Nội.

Công nhân vận hành tại Trạm bơm Ấp Bắc - Công ty đầu tư thủy lợi Hà Nội.

Theo phản ánh của nông dân, những năm gần đây, cơ giới hóa được đưa vào sử dụng thay thế sức người giúp việc làm đất của các nông hộ bớt đi nhiều vất vả, đồng thời cũng tạo thêm việc làm cho những lao động thời vụ cấy thuê như ông Trần Đức Bình và bà Đào Văn Ba ở huyện Mê Linh cho biết: "Thời tiết thuận lợi, làm từ Tết đến giờ được 7 đến 8 ngày công rồi, việc nhiều, thu nhập cũng tăng thêm".

"Dân cấy tay 1 ngày chỉ được khoảng 1 sào nhưng cấy bằng máy thì 1 máy cấy phải được hơn 10 mẫu/ngày, tương đương với 100 công lao động".

Trạm bơm Thanh Điềm lấy nước từ sông Hồng đưa nước lên hệ thống kênh mương nội đồng

Khẩn trương gieo cấy vụ Xuân 2023 trong khung thời vụ tốt nhất với cơ cấu giống 40% nhóm giống lúa năng suất, 45% nhóm giống lúa chất lượng cao, phấn đấu cấy xong trà Xuân muộn trước 28/2 và hoàn thành gieo sạ trước 20/2, đến nay, nông dân các địa phương của thành phố Hà Nội đã tổ chức cấy được hơn 2.000 ha. Các huyện như: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ba Vì, Sóc Sơn là những nơi đang dẫn đầu về tỷ lệ làm đất, gieo cấy lúa Xuân. Các huyện thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước như: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất đã và đang tăng cường thông tin cho người dân biết về lịch lấy nước để chủ động đưa nước vào ruộng...

Bơm nước từ kênh mương vào ruộng đổ ải

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cho biết: "Trên địa bàn huyện tổng số có 4. 300 ha trồng lúa, xác định sản xuất nông nghiệp đầu năm phải đặc biệt quan tâm nên huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các hợp tác xã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tập trung gieo trồng đúng khung thời vụ, phấn đấu trong tháng 2 gieo trồng trong toàn bộ diện tích".

Đảm bảo đủ nước gieo cấy theo đúng khung thời vụ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp đưa, dẫn nước phục vụ đổ ải ở các địa phương. Sau 4 ngày lấy nước đổ ải trong đợt 2 xả nước qua phát điện của các hồ thủy điện, Hà Nội đã cấp nước đổ ải hơn 46.000 ha, đạt 60% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Ông Lương Thành Quang, Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cho biết, công ty đã lắp đặt 41 tổ máy bơm dã chiến các loại, nạo vét hơn 21 nghìn mét khối bùn cát bồi lắng tại các bể hút, kênh dẫn, vận hành tối đa trạm bơm khi mực nước sông dâng cao lấy nước vào ruộng và tích trữ trong hệ thống kênh mương, ao, đầm, vùng trũng. Trong điều kiện khó khăn về nguồn nước, một số trạm bơm, cụm đầu mối công trình liên tục vận hành trong thời gian hơn 1 tháng qua để đảm bảo đủ nguồn nước sản xuất.

Ruộng đủ nước chờ mạ

"Theo kế hoạch đề ra khi mực nước cao sẽ chỉ chạy trạm bơm chính để máy dã chiến nghỉ nhưng điều kiện hiện nay nước rất thấp nên phương án phải thay đổi, theo đó tập trung cả trạm bơm chính và bơm dã chiến hoạt động liên tục. Thời gian lấy nước đợt 2 chỉ có 8 ngày sau đó khi không có nguồn nước xả thì trạm chính không thể bơm được. Thời điểm hiện nay đang đưa dẫn nước phục vụ gieo cấy, và tận dụng phần còn lại tích trữ vào các hồ ao, hệ thống kênh mương sử dụng về sau"- ông Quang nói.

Chuẩn bị mạ gieo cấy.

Là một trong 3 địa phương có tỷ lệ diện tích được cấp đủ nước gieo cấy đạt thấp nhất khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, theo ông Đào Quang Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu là do mực nước sông Hồng, sông Đà ở mức rất thấp không đạt yêu cầu vận hành nhiều công trình thủy lợi lớn trên địa bàn như: trạm bơm Trung Hà, Phù Sa; các cống Cẩm Đình, Liên Mạc.

"Trạm bơm Trung Hà hoàn toàn không lấy được nước vì nước không vào bể hút trạm bơm nằm dưới đáy cống. Lưu vực trạm bơm Trung Hà chiếm mà khoảng 2.570 ha, đến thời điểm này mới cấp nước được cho 46%, tương đương 1.200 ha. Giải pháp hiện nay lấy nước từ lưu vực hồ Suối Hai và thực hiện các giải pháp bơm nhiều cấp để cấp nước. Trạm bơm Phù Sa do Bộ đầu tư nhưng chưa được triển khai, lưu vực Trạm bơm Phù Sa phụ trách vào khoảng 3.870 ha, đến thời điểm này mới cấp nước cho 630 ha, đạt 16% diện tích. Lưu vực Phù Sa rất khó khăn, dự kiến hết đợt 2 đổ ải khả năng chỉ cấp nước khoảng 2.800 ha, còn khoảng 1 nghìn 100 ha không thể cấp đủ nước"- ông Khải nói.

Thời tiết thuận lợi nông dân huyện Mê Linh xuống đồng gieo cấy.

Cơ giới hóa gieo mạ bằng máy cấy

Dự kiến, kết thúc đợt 2 lấy nước đổ ải gieo cấy vụ Đông xuân 2022-2023, thành phố Hà Nội sẽ cấp nước đạt khoảng 90% diện tích trong tổng số hơn 81.000 ha gieo cấy lúa. Linh hoạt trong chỉ đạo và điều hành với nhiều giải pháp cùng nỗ lực của chính quyền các địa phương kỳ vọng những khó khăn về nguồn nước gieo cấy vụ Xuân của Hà Nội sẽ sớm được khắc phục qua đó tạo điều kiện cho nông dân yên tâm, chủ động sản xuất đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, để thích ứng tình trạng mực nước trên sông Đà và sông Hồng ngày càng hạ thấp, cần sớm quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới những trạm bơm ven sông lấy nước ở mực nước thấp, giảm phụ thuộc nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện./.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-linh-hoat-do-ai-trong-dieu-kien-kho-khan-ve-nguon-nuoc-post999707.vov