Hà Nội 'mắc kẹt' thanh toán dự án BT, Bộ Tài chính hẹn ngày gỡ khó

Trước thực trạng hàng trăm dự án BT phải dừng lại chờ Nghị định hướng dẫn, gây khó khăn cho các địa phương như Hà Nội, TP.HCM… Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), cho biết, Nghị định về thanh toán bằng quỹ đất cho các dự án xây dựng - chuyển giao (dự án BT) sẽ được ban hành trong tháng 5.2019.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản

Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các địa phương dừng thanh toán dự án BT bằng quỹ đất. Hàng trăm dự án BT ở các địa phương phải dừng lại chờ Nghị định hướng dẫn.

Tới đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160, theo đó, những dự án BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1.1.2018 sẽ tiếp tục thanh toán theo hợp đồng, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Đây là cách thức “gỡ” cho các địa phương và nhà đầu tư triển khai dự án, đồng thời minh bạch hơn cho các dự án sau ngày 1.1.2018.

Tuy nhiên, đối với cá dự án BT mới, các địa phương vẫn gặp bất cập trong dùng quỹ đất thanh toán khi quy định về đấu thầu, đấu giá đất chưa có. Kết quả, những dự án BT được ký kết sau ngày 1.1.2018 vẫn ở trong tình trạng chờ một Nghị định mới để gỡ khó.

Câu chuyện này tiếp tục được ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chia sẻ tại Hội nghị đánh giá triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 16.5.

Ông Nguyễn Doãn Toản nói: “Về việc xây dựng Nghị định hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp, Hà Nội và TP.HCM đều tham gia đóng góp ý kiến. Đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh việc này, để các địa phương có cơ sở thực hiện”.

Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính).

Còn theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý công sản cho biết: “Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện nghị định quy định về thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ ban hành trong tháng 5.2019”.

Trước đó, nhắc đến những vấn đề khó, phát sinh của dự thảo Nghị định về thanh toán dự án BT, ông La Văn Thịnh cho rằng, hiện nay cái khó nhất là giải quyết để các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn phát triển các công trình hạ tầng hoàn thành theo đúng mục tiêu, nhưng cũng phải quy định chặt chẽ để tránh thất thoát tài sản, ngân sách của Nhà nước. Bởi vì, trên thực tế hiện có tình trạng là giá trị công trình BT và quỹ đất được giao chưa ngang giá.

Thực tế khi nhà đầu tư xây dựng công trình BT là bờ ven bãi sú hoang vu, nhưng sau đó được đầu tư, thậm chí chỉ là thông tin quy hoạch, lập tức giá thị trường tăng lên. Do đó, nếu xử lý không khéo sẽ tổn thương lớn đến nhà đầu tư, song mặt khác, nếu không xem xét cụ thể thì Nhà nước sẽ thất thoát khi thanh toán. Do đó, theo ông La Văn Thịnh, vừa phải xử lý hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, nhưng cũng không được làm triệt tiêu động lực đầu tư của các nhà đầu tư.

Một vấn đề được dư luận quan tâm và được báo chí đặt câu hỏi đó là quan điểm của Bộ Tài chính liệu có nên giữ 2 loại giá (giá đất của khung giá do ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành và giá thị trường).

Theo ông La Văn Thịnh: “Quan điểm 2 giá đã thể hiện nhất quán từ Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013, nên khi quan tâm đến giá đất thì chúng ta nhìn ở góc độ nào? Ví dụ, với góc nhìn đại bộ phận dân chúng và doanh nghiệp sản xuất với chi phí tiền thuê đất là đầu vào thì khung giá của địa phương ban hành lại trúng với đại bộ phận của nền kinh tế. Nhưng nếu bán miếng đất làm tài sản thì luật quy định cụ thể, phải qua các công cụ thị trường để thẩm định giá làm sao sát với giá thị trường”.

Hoàng Nhật

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ha-noi-mac-ket-thanh-toan-du-an-bt-bo-tai-chinh-hen-ngay-go-kho-980373.html