'Hà Nội mùa thu năm ấy' trong hồi ức của những nhân chứng lịch sử

Nhiều nhân chứng lịch sử đã không kìm được niềm xúc động khi kể lại, xem lại những thước phim, bức ảnh, hiện vật gợi nhớ lại thời khắc lịch sử của 65 năm về trước, trong buổi khai mạc chương trình 'Ký ức mùa thu' diễn ra tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong sáng nay (6/10).

Trong ký ức còn đong đầy cảm xúc, Đại tá Vũ Kiểm, người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đội quân tham gia Lễ chào cờ lịch sử vẫn rưng rưng niềm xúc động khi nhắc lại mùa thu năm ấy.

Hồi ức thiêng liêng của những nhân chứng lịch sử năm nào vẫn khắc họa rất rõ quang cảnh phố phường Hà Nội giờ phút ấy, nhà nào đều mở toang cửa ngõ. Cờ đỏ sao vàng được treo lên đỏ rực bầu trời. Mọi người nam nữ, già trẻ tỏa ra khắp đường để đón chào bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô.

Đại tá Vũ Kiểm rưng rưng niềm xúc động khi nhắc lại mùa thu năm ấy

Đại tá Vũ Kiểm rưng rưng niềm xúc động khi nhắc lại mùa thu năm ấy

“Sau 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, khi đó tôi làm tổ trưởng liên lạc, được giao nhiệm vụ hộ tống cho đơn vị rút hết khỏi Thủ đô, tôi ở lại là người rút đi cuối cùng và châm lửa đốt thành, sau đó chúng tôi được lệnh rút ra vượt qua bãi sông Hồng đi qua gầm cầu Long Biên sang bên kia, khi qua cầu Long Biên nhìn quay trở lại thấy đô thành bốc cháy.

Ngày 9/10, tôi trở về Thủ đô, ngày làm lễ chào cờ năm đó tôi làm cán bộ Đại đội, đứng hát theo nhưng lúc đó cảm động lắm, người run, nhìn lên lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới ở Cột Cờ, thấy to lắm, vui lắm. Ngày hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 65 năm, được gặp lại các bạn cùng tham gia chiến đấu, thấy đất nước ta mỗi ngày một phát triển hơn, như vậy chúng tôi rất phấn khởi, Đại tá Vũ Kiểm xúc động nhớ lại.

Ông Phùng Đệ, Nghệ sĩ ưu tú, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn nhớ như in ngày phải rời Hà Nội

Ông Phùng Đệ, Nghệ sĩ ưu tú, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn nhớ như in ngày phải rời Hà Nội: “Đêm hôm ra đi tất cả mọi người đều rất buồn, buồn lắm, không ai nghĩ rằng mình ra, lại cứ nghĩ rằng sẵn sàng quyết tử ở Hà Nội cơ, chết ở Hà Nội cũng vinh dự. Không ai muốn ra, nhiều người khóc, khi buộc phải ra, nhiều người lấy gạch, lấy than viết lên trên tường “Hẹn ngày trở lại, Hà Nội ơi chúng tôi xa nhớ Hà Nội lắm. Hỡi quân xâm lược Pháp chúng tao hẹn có ngày chiến thắng trở về”.

Và rồi, cuối cùng ngày mong chờ đó đã đến, ngày 10/10/1954 ông cùng các chiến sĩ trở về Hà Nội, được đón tiếp trong rừng cờ hoa rực rỡ với những tiếng reo hò hoan hô các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng quê hương, giải phóng Hà Nội. Đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội đi qua các phố để về sân Cột Cờ trong Hoàng Thành Thăng Long. Đoàn người đi tới đâu là rừng cờ hoa vẫy chào với những tiếng hát xen lẫn tiếng hò reo “Hoan hô các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”…

“Không khí ngày đó thật hào hùng và náo nức. Lịch sử Hà Nội có lẽ chưa có ngày nào tưng bừng và vui sướng như ngày hôm đó. Trong sân Cột Cờ các khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới, quân y đội ngũ trang nghiêm thẳng tắp, các chiến sĩ trang phục mới tinh. Nhân dân Hà Nội ăn mặc chỉnh tề, trang phục của các cô gái và các em thiếu nhi nhiều màu sắc, tay cầm cờ hoa đứng bao kín phía sau các khối quân đội, trông rực rỡ, đẹp như một vườn hoa khổng lồ của một mùa xuân”, ông Phùng Đệ nhớ lại khoảng khắc lịch sử thiêng liêng.

Nguyễn Huy Du (90 tuổi), nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô say sưa kể lại Ngày giải phóng năm ấy

Hòa chung vào những câu chuyện ký ức năm xưa, khi nhắc đến Ngày Giải phóng ông Nguyễn Huy Du (90 tuổi), nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô say sưa kể lại: “Khi rời khỏi Thủ đô chúng tôi có lời thề “Ra đi hẹn ngày về”, trong suốt những năm kháng chiến chúng tôi có bài hát “Ngày về”, ngày nào, tháng nào, năm nào cũng hát. Khi được lệnh về tiếp quản Thủ đô, chúng tôi mừng lắm, không khí khi ấy phấn khởi. Đến hôm nay, chúng tôi tự hào và hạnh phúc vì đã góp sức vào chiến thắng của dân tộc, cùng chung tay bảo vệ Thủ đô trong những giai đoạn gian khó”.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-mua-thu-nam-ay-trong-hoi-uc-cua-nhung-nhan-chung-lich-su-97446.html