Hà Nội nên thận trọng, tránh làm biến tướng chương trình sữa học đường

Đối tượng chương trình sữa học đường hướng tới là trẻ em 'cần cải thiện tình trạng dinh dưỡng', suy dinh dưỡng, chứ không phải tất cả trẻ mẫu giáo, tiểu học.

Trong bài viết trước, Sữa học đường, không tính kỹ sẽ thành của người phúc ta, mượn hoa dâng Phật, chúng tôi đã phân tích nguy cơ chương trình nhân văn như sữa học đường có thể biến thành một thương vụ bạc tỷ.

Bởi lẽ con số 20% trên một hộp sữa tươi 180 ml doanh nghiệp hỗ trợ khi tham gia chương trình sữa học đường, nếu tính trên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, thì khoản hỗ trợ này thực chất là chi phí bán hàng họ phải bỏ ra, nhiều khả năng rẻ hơn kênh bán hàng truyền thống.

Nói cách khác, chính quyền Thủ đô nếu không khéo, nếu không minh bạch thông tin cho người dân giám sát, rất dễ khiến mục đích tốt đẹp của chương trình sữa học đường bị âm thầm biến đổi thành bán hàng, tiếp thị.

Nguy cơ "loạn dinh dưỡng" vì sai đối tượng

Mục tiêu Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 là:

"Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai."

Như vậy, đối tượng chính mà đề án sữa học đường hướng tới là các em học sinh mẫu giáo, tiểu học cần "cải thiện tình trạng dinh dưỡng", giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường Hà Nội Chử Xuân Dũng chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến triển khai đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Chính Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đã báo cáo mục tiêu này trước Hội đồng Nhân dân thành phố ngày 5/7 để xin thông qua nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án (nhà nước 30%, doanh nghiệp 20% và cha mẹ học sinh 50%).

Thầy Chử Xuân Dũng nhắc lại một số chỉ tiêu cụ thể của đề án sữa học đường:

Đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học giảm xuống dưới 5,5%;

Đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo giảm xuống dưới 13,5%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%. [1]

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không thấy nhắc đến thực trạng tỉ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân, thể thấp còi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học Thủ đô hiện nay là bao nhiêu.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Tán - Viện Dinh dưỡng - cho biết, tình trạng suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi được đánh giá là đã giảm nhanh và bền vững trong những năm qua, kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ngày càng được cải thiện.

Theo kết quả điều tra 30 cụm trên toàn quốc năm 2016 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%, suy dinh dưỡng thấp còi là 24,3%. [2]

Đó là con số bình quân trên cả nước, nhưng Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, có lẽ tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng sẽ thấp hơn.

Cứ tạm cho là tỉ lệ trẻ duy dinh dưỡng ở Hà Nội tương đương mặt bằng chung của cả nước, thì tối đa cũng chỉ 24,3%

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố cho toàn bộ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học trên địa bàn Thủ đô tham gia chương trình sữa học đường.

Điều này thể hiện rõ trong Quyết định số 4019/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố ngày 6/8/2018 phê duyệt đề án sữa học đường, theo tham mưu của Sở qua tờ trình số 3066/TTr-SGDĐT ngày 24/7/2018.

Trong 3 năm từ 2018 đến 2020, bình quân khoảng 1,3 triệu học sinh mẫu giáo và tiểu học Hà Nội sẽ trở thành khách hàng của hãng sữa nào trúng thầu cung cấp cho đề án sữa học đường, nếu "tổ chức tốt".

Quyết định 4019/QĐ-UBND do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu đã lập danh sách chi tiết số trẻ thụ hưởng chương trình này đến từng phường xã và từng trường.

24,3% của 1,3 triệu học sinh, rơi vào khoảng 315.900 em là thực sự cần quan tâm, cải thiện dinh dưỡng. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa tính đến tình trạng trẻ em ngày càng béo phì.

Báo Hà Nội Mới ngày 19/10/2017 cho biết, tỷ lệ trẻ béo phì ở khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh hiện nay trên 50%, tại Hà Nội khoảng 41%.

Tình trạng béo phì trẻ em từ tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. [3]

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Hà Nội Mới.

Năm ngoái 2017, Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc khảo sát về tình trạng suy dinh dưỡng / thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi. [4]

Như vậy, việc "khoanh vùng, xác định" đối tượng cần tập trung của đề án sữa học đường để đảm bảo mục đích và ý nghĩa nhân văn của nó, đâu phải việc gì khó?

Nhưng tất cả các cháu trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học đều được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố đưa vào danh sách uống sữa của đề án sữa học đường.

Còn với doanh nghiệp, tất nhiên con số 1,3 triệu khách hàng hấp dẫn hơn nhiều so với 315.900 khách hàng.

Mặt khác, trong hoạt động bán hàng, nhà phân phối nào có doanh thu càng lớn thì hoa hồng chiết khấu càng cao.

Đề án nhân văn có thể bị lợi dụng, biến tướng

1,3 triệu khách hàng sử dụng thường xuyên sản phẩm sữa tươi hàng ngày có lẽ là mơ ước của bất kỳ nhà cung cấp nào.

Nếu không phải Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành, chính quyền địa phương đứng ra tổ chức mà để cha mẹ học sinh tự mua, thì miếng bánh sẽ bị phân tán.

Điều này buộc các doanh nghiệp phải tăng cường cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như đa dạng hóa sản phẩm, tính toán chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng để mở rộng thị phần.

Báo Dân Trí ngày 24/9 có bài Sữa học đường: Đừng để phụ huynh bị "ép" tự nguyện, bài báo cho biết:

Mặc dù chưa triển khai Chương trình sữa học đường, tuy nhiên, phản ánh tới Báo Dân trí, một số phụ huynh tại Hà Nội cho biết có tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động phụ huynh đăng kí cho học sinh tham gia vì thành tích.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông được Báo Dân trí dẫn lời, cho biết:

"Tôi đã từng nghe có giáo viên tâm sự, nếu trong lớp có 40 cháu mà 30 cháu được uống sữa, vậy 10 cháu còn lại không được uống vào giờ đó thì sẽ ra sao? Nhiều học sinh chắc chắn sẽ buồn.

Nên tôi nghĩ, có thể họ vận động học sinh tham gia đồng đều trong lớp vì điều đó chứ không phải vì thành tích". [4]

Chúng tôi tin rằng các thầy cô giáo không có "lợi lộc" gì khi phải vận động cha mẹ học sinh cho con em tham gia chương trình sữa học đường, vì thầy cô biết các em vẫn uống sữa hàng ngày và gia đình tự do lựa chọn.

Nhưng cấp trên của các thầy cô có hưởng lợi gì không, thì không ai dám chắc.

Bởi theo tính toán của chúng tôi, nếu doanh nghiệp nào trúng thầu cung cấp sữa học đường cho Hà Nội, doanh thu tối đa 1 tuần có thể đạt bình quân: 1.302.221 x 5 hộp x 6.875 = 44.763.846.875 đồng / tuần.

Nếu bán qua kênh phân phối thông thường họ phải bỏ chi phí bán hàng từ 10.295.684.781 đồng / tuần đến 14.324.431.000 đồng / tuần, với chi phí bán hàng dao động trong khoảng 23% đến 32%, có thể hơn hoặc kém, tùy doanh nghiệp.

Hiện tại theo đề án sữa học đường được phê duyệt, thì doanh nghiệp "hỗ trợ 20%" trên giá bán lẻ, tương đương chi phí bán hàng / 1 tuần họ chính thức bỏ ra nếu trúng thầu, là 8.952.769.375 đồng.

Như vậy, con số chênh lệch chi phí bán hàng giữa kênh truyền thống với trúng thầu đề án của thành phố Hà Nội có thể lên tới 1,3 tỷ đồng / tuần đến 5,37 tỷ đồng / tuần;

Tất nhiên là con số này chỉ có thể đạt được với điều kiện lý tưởng, Hà Nội huy động được 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học tham gia.

Còn mục tiêu cụ thể của Hà Nội là, đến năm 2020 trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn thành phố được uống sữa theo Đề án Chương trình Sữa học đường.

Để đạt được những mục tiêu này, Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo cấp thành phố, do Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Ngô Văn Quý làm Trưởng ban;

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng làm Phó trưởng ban thường trực, ngoài ra còn 3 Phó ban và hàng chục ủy viên là lãnh đạo các sở ban ngành của thành phố, cùng 30 lãnh đạo quận, huyện.

Đến lượt mình, các quận, huyện cũng như vậy, thành lập các ban chỉ đạo đề án sữa học đường ở địa phương mình, do một Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân làm Trưởng ban.

Các ban chỉ đạo này hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, hưởng phụ cấp theo quy định và tự giải tán khi kết thúc đề án.

Vấn đề đặt ra là, ngoài phụ cấp theo quy định (từ ngân sách?), các thành viên ban chỉ đạo này có được hưởng "hỗ trợ" nào từ doanh nghiệp trúng thầu hay không?

Xuống các cơ sở giáo dục, người đứng đầu được chỉ đạo nghiên cứu kỹ Quyết định số 4019/QĐ-UBND và xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình triển khai tại đơn vị.

Thành phố đã phấn đấu trên 90%, các trường liệu có dám đặt mục tiêu thấp hơn chăng?

Có thể các thầy cô chỉ vì ái ngại cho các em không tham gia ngồi nhìn các em khác uống sữa nên mới vận động cha mẹ học sinh tham gia, như giải thích của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân;

Nhưng với cha mẹ học sinh, đó là một đòn tâm lý "cân não".

Nếu tham gia, tức là họ đánh mất quyền lựa chọn sữa cho con trong khi thông tin mập mờ, chưa biết hãng nào cung cấp, sữa có đảm bảo hay không, nếu xảy ra sự cố gì ai chịu trách nhiệm?

Vụ 73 học sinh bị ngộ độc sau khi sử dụng sữa học đường do NutiFood cung cấp ở Đồng Nai đầu tháng Ba năm nay, đến giờ cha mẹ học sinh cũng chưa biết tại sao lại chẳng có ai phải chịu trách nhiệm.

Nếu không tham gia, khi các bạn khác uống sữa con mình ngồi nhìn, các cháu sẽ suy nghĩ thế nào?

Thiết nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tính toán kỹ các yếu tố, vấn đề nói trên, để chương trình sữa học đường giữ được mục đích và ý nghĩa nhân văn vốn có của nó;

Mục tiêu của sữa học đường là "cải thiện dinh dưỡng", giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nhưng không phải tất cả trẻ em mẫu giáo, tiểu học Hà Nội cần phải "cải thiện tình trạng dinh dưỡng" hay suy dinh dưỡng.

Cho nên thay vì áp chỉ tiêu phấn đấu trên 90% trẻ mẫu giáo, tiểu học Hà Nội được uống sữa học đường, hãy cung cấp đầy đủ thông tin để cha mẹ học sinh được tự lựa chọn và quyết định;

Có như vậy, chương trình sữa học đường mới phát triển bền vững mà không đánh mất quyền của các gia đình trong việc lựa chọn sản phẩm sữa phù hợp với sở thích con em cũng như điều kiện của họ.

Đã có chỉ tiêu trên 90%, đã có ban chỉ đạo hùng hậu như thế, áp lực đè lên vai giáo viên là không hề nhỏ. Cách làm này của Hà Nội sẽ gây ức chế tâm lý cho thầy cô, ảnh hưởng đến chính mục đích và ý nghĩa nhân văn của chương trình sữa học đường.

Chúng tôi còn một thắc mắc nữa, không hiểu tại sao trước tình trạng quá tải sĩ số chưa từng có tại nhiều trường tiểu học công lập năm nay trên địa bàn nội thành, không thấy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu, đề xuất thành lập ban chỉ đạo để tập trung giải quyết?

Đấy có lẽ mới là vấn đề bức xúc, cấp thiết cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền Thủ đô. Còn việc mua sữa, bán sữa của cha mẹ học sinh, có nhất thiết cần đến ban bệ đông đảo như thế?

Nguồn:

[1]http://thanglong.chinhphu.vn/hon-4-nghin-ty-cho-chuong-trinh-sua-hoc-duong

[2]http://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc/thuc-trang-suy-dinh-duong-tre-em-duoi-5-tuoi-hien-nay.html

[3]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/880768/tre-em-viet-nam-ngay-cang-beo-phi

[4]http://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-khao-sat-beo-phi-o-tre-duoi-5-tuoi

[5]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sua-hoc-duong-dung-de-phu-huynh-bi-ep-tu-nguyen-20180923180521024.htm

Hồng Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ha-noi-nen-than-trong-tranh-lam-bien-tuong-chuong-trinh-sua-hoc-duong-post191159.gd