Hà Nội nghiên cứu phát triển mô hình 'thành phố trong thành phố'

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, cần nghiên cứu khả năng phát triển mô hình 'thành phố trong thành phố' tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn.

Đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại hội thảo khoa học rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội - ông Nguyễn Trúc Anh cho biết, mục tiêu việc rà soát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện QHC 1259 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là để rút ra bài học cần thiết làm cơ sở cho việc định hướng điều chỉnh tổng thể QHC 1259.

Sở QH - KT Hà Nội sơ bộ rà soát, đánh giá gồm: Liên kết vùng; Tầm nhìn, mục tiêu và quan điểm điều chỉnh quy hoạch; Định hướng phát triển không gian; Quy hoạch sử dụng đất trong xây dựng; Quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; Định hướng bảo tồn di sản; Hạ tầng kỹ thuật; Quy hoạch không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, các điểm TOD tích hợp với sử dụng đất, giao thông công cộng khác cho ku vực đô thị trung tâm; Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều trên địa bàn TP; Quy hoạch các vùng sinh thái cảnh quan đặc thù; Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất lúa và an ninh lương thực; Quy hoạch hệ thống thủy lợi, tưới tiêu; Quy hoạch các khu chức năng.

Nghiên cứu sân bay thứ 2 cho Hà Nội

Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, trên cơ sở các nội dung rà soát, đánh giá của Sở QH - KT, có 8 vấn đề cần giải quyết tại định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, các vấn đề cần giải quyết đó là: Hạn chế tăng dân số tại khu vực nội đô. Cụ thể, khu vực nội đô lịch sử tiếp tục kiên định với chủ trương giảm dân số; khu vực nội đô mở rộng không tăng thêm dân số; bổ sung dân số cho khu vực Bắc sông Hồng và phía Đông Vành đai 4 để khai thác, sử dụng đất được hiệu quả hơn.

Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “thị xã trong thành phố”.

Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn). Ảnh - Hữu Thắng.

Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn). Ảnh - Hữu Thắng.

Các thị xã mới dựa trên cấu trúc đô thị được xác định bởi hạt nhân là các đô thị vệ tinh như Xuân Mai (đô thị loại II), Phú Xuyên (đô thị loại III). Nghiên cứu khả năng khai thác trục sông Hồng làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông Hồng và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ.

Rà soát hoàn chỉnh mô hình và lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Nghiên cứu hoàn chỉnh kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị, nghiên cứu khả năng bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội...

Quy hoạch Hà Nội phải có cách làm khác

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay, là đô thị đặc biệt, lại là Thủ đô của cả nước nên Hà Nội cần phải có cách làm khác. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đạt trên 40%, cao nhất Đông Nam Á nhưng việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch cả nước chưa đạt yêu cầu. Chất lượng đô thị, chất lượng quy hoạch đô thị chưa tốt, nhất là vấn đề dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn sự chồng chéo trong công tác quy hoạch giữa các ngành, các cấp…

Giải pháp đối với Hà Nội là ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, TP cần có một tư vấn tốt. Do đó, Hà Nội nên tổ chức thi, có lựa chọn tư vấn nước ngoài để cùng các sở, ngành TP xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên, thiên nhiên, con người, xây dựng Thủ đô xứng tầm là niềm kiêu hãnh của cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vấn đề lớn, nên sau Hội thảo khung hôm nay, TP cần giao cho các đơn vị có liên quan tổ chức các hội thảo riêng để làm rõ cụ thể từng vấn đề cụ thể.

Vị chuyên gia cho rằng, việc TP triển khai thực hiện song song hai nhiệm vụ: Vừa tổ chức lập quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng là quyết sách rất sáng tạo của Thành ủy, UBND TP do đó cần tổ chức triển khai quyết liệt.

Đặc biệt, trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần chú ý đến việc điều chỉnh gia tăng dân số; quy hoạch phòng chống lũ; nâng cao chất lượng quy hoạch; có lộ trình huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn thể Nhân dân. Đồng ý với các mục tiêu mà Nhiệm vụ quy hoạch đề ra, tuy nhiên nên thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “Thành phố trong thành phố”.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn đánh giá, qua các báo cáo của Sở QH - KT và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội còn có những vấn đề quan trọng chưa được đề cập như: Phân tích về diện tích đất đô thị và quy mô dân số. Do đó, rất cần có đánh giá tổng hợp về các lĩnh vực để tạo sự đồng bộ trong việc sử dụng đất đô thị thời gian tới.

Cần có đánh giá tổng hợp về các lĩnh vực để tạo sự đồng bộ trong việc sử dụng đất đô thị thời gian tới. Ảnh - Hữu Thắng.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, các ý kiến tham luận tại Hội thảo về cơ bản đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, tập trung vào các nhóm vấn đề:

Về định hướng quy hoạch cấp quốc gia và kết nối vùng gắn với quy hoạch TP và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Về các vấn đề cần giải quyết trong mối quan hệ giữa Quy hoạch chung xây Thủ đô và vùng Thủ đô; Về kiểm soát dân số, phân bổ dân số; Về định hướng quy hoạch phát triển đô thị và quản lý kiến trúc; về định hướng quy hoạch hạ tầng đô thị;… Đồng thời, các ý kiến tham luận đã định hướng được những nội dung cần nghiên cứu trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp trực tiếp cũng như góp ý bằng văn bản của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hội nghề nghiệp. Đồng thời cho biết, đây là hội thảo cấp TP mang tính chất khung, khởi động, sau này sẽ có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu với mong muốn nhận được tư vấn, góp ý cho việc triển khai điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở QH - KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp thu, hoàn chỉnh, báo cáo các cấp; triển khai thực hiện việc tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo quy định.

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp tiếp tục tham góp, phản biện, tạo điều kiện để việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đạt được chất lượng, hiệu quả, sớm hoàn thành đưa vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển Thủ đô.

Nguyễn Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-nghien-cuu-phat-trien-mo-hinh-thanh-pho-trong-thanh-pho-a530393.html