Hà Nội nghiên cứu thí điểm hạn chế xe máy trên 6 tuyến đường, khu vực

Thành phố dự kiến cấm xe máy theo giờ từ thứ 2 đến thứ 6 và trên các trục đường có mạng lưới phương tiện công cộng hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ cho người dân.

Theo Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, Hà Nội dự kiến thí điểm cấm xe máy theo giờ từ thứ 2 đến thứ 6 trên các trục đường hướng tâm có đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Cấm tại 6 trục, tuyến đường thường xuyên ách tắc

Theo đề án, vào giờ cao điểm, xe máy sẽ bị cấm hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Trãi (ưu tiên xe buýt) đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng vào năm 2019-2020.

Tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy, sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động (dự kiến sau 2020), xe máy cũng bị cấm vào giờ cao điểm.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội dự kiến nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến phố như Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Tuyến Lê Văn Lương, trục đường có thể thí điểm hạn chế xe máy. Ảnh: Việt Hùng.

Tuyến Lê Văn Lương, trục đường có thể thí điểm hạn chế xe máy. Ảnh: Việt Hùng.

Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 5,5 triệu xe máy đang hoạt động và 620.000 ôtô con. Theo dự báo của Sở GTVT, số lượng xe máy có thể tăng lên 7 triệu chiếc vào năm 2025 và 7,5 triệu chiếc vào năm 2030.

Trao đổi với báo chí chiều 19/3, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ông Vũ Văn Viện nhấn mạnh thực hiện đề án cấm xe máy rất khó khăn nhưng bắt buộc phải làm. Ông nói Sở và TP đều tuân thủ nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Chính phủ, quy định của Nhà nước, đảm bảo lợi ích của xã hội và người dân.

"Tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng như một thảm họa, thấy thảm họa mà không làm gì thì thấy có lỗi với nhân dân. Đề án về quản lý phương tiện cá nhân thì bao gồm tất cả phương tiện. Xe máy chỉ là một trong những phương tiện sẽ bị hạn chế trong nội đô", ông Viện nói.

Nhiều ý kiến trái chiều

Đề án vẫn đang gây ra nhiều hoài nghi. Một số chuyên gia cho rằng nạn ách tắc và ô nhiễm không khí không chỉ bắt nguồn từ xe máy, lượng ôtô cá nhân ở Hà Nội gia tăng chóng mặt cũng là một tác nhân.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt - Nhật, cho rằng đề án cấm xe máy chưa phải giải pháp vẹn toàn.

"Chúng ta nên nhớ, phương tiện cá nhân gồm có cả xe máy và ôtô cá nhân. Ngay cả một người dân bình thường cũng có thể nhận thấy, tình hình ùn tắc tăng trong những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của quá trình ôtô hóa, rất nhiều người chuyển từ xe máy sang ôtô", ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng hạn chế phương tiện cá nhân mà chỉ nhắm đến hạn chế xe máy thì chưa phải là giải pháp vẹn toàn. Đặc biệt là nếu cấm xe máy và không có biện pháp nào đối với ôtô cá nhân thì dễ gây tâm lý xã hội cho rằng có sự ưu tiên cho tầng lớp giàu có trong xã hội.

Về việc này, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết ngay từ 2008, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16 về đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, trong đó có cả các quy định về hạn chế lưu thông của ôtô trên một số tuyến đường.

"Việc cấm ôtô chúng ta đã thực hiện từ lâu, từ Quyết định 06 năm 2013 của UBND Hà Nội. Nội dung của Quyết định này đã có phân vùng, kiểm soát hoạt động của ôtô", ông Viện phát biểu.

Dự kiến sau thời gian thí điểm không đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành vào năm 2020, TP Hà Nội sẽ mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025.

Người dân nói gì khi 2 tuyến đường huyết mạch ở Hà Nội cấm xe máy? Người dân thường xuyên đi đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương chưa biết lưu thông bằng cách nào khi xe máy bị cấm, ôtô thì chưa có tiền mua còn đường sắt trên cao chưa thuận tiện.

Sơn Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ha-noi-nghien-cuu-thi-diem-han-che-xe-may-tren-6-tuyen-duong-khu-vuc-post927761.html