Hà Nội: Nguy cơ di chỉ 3.500 năm tuổi biến mất

Cụm di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) đã được nhiều nhà khoa học khẳng định về giá trị. Tuy nhiên, cụm di chỉ này đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn bởi công trình thi công đường vành đai 3.5. Toàn bộ khu vực trung tâm di chỉ khảo cổ này đã bị san ủi nhiều diện tích…

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969, đến nay đã 9 lần khai quật. Ảnh: IT

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969, đến nay đã 9 lần khai quật. Ảnh: IT

Đã khẳng định vị thế di tích khảo cổ học

Trong báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối mới đây của Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thì các hoạt động san lấp đã vội vã diễn ra, đặt khu di chỉ khảo cổ quý 3.500 năm tuổi trước nguy cơ bị phá hủy và san lấp.

Theo Viện Khảo cổ học, cụm di chỉ này đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ những năm 1969. Từ đó đến nay, nhiều đợt thăm dò, khai quật được tiến hành ở các điểm gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng, gò Muỗng, gò Chùa Gio và gò Chiền Vậy…

“Cụm di chỉ Vườn Chuối là một phức hệ di tích phát triển liên tục qua các giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Là một địa điểm quan trọng, chứa đựng nhiều giá trị nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là khảo cổ học tiền - sơ sử khu vực Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi lần khai quật đều đem lại những kết quả và tư liệu mới cho công tác nghiên cứu khảo cổ học khu vực, góp phần làm sáng tỏ lịch sử Hà Nội thời tiền sơ sử...”, báo cáo của Viện Khảo cổ học nêu rõ.

Kết quả khai quật phát hiện đặc trưng của giai đoạn văn hóa Gò Mun và văn hóa Đông Sơn. Về di tích, phát hiện 15 ngôi mộ đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn với 2 loại: Mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm... Hàng trăm hiện vật đồ đá, 40 hiện vật đồ đồng đã được phát hiện.

Chiều 11/11, PGS.TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, với giá trị to lớn đã được chứng thực, cụm di chỉ Vườn Chuối xứng đáng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa và xếp hạng là di tích khảo cổ học của TP Hà Nội.

Đặc biệt hơn, dạng di chỉ tiền sơ sử phản ánh nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn như vậy trên đất Hà Nội không nhiều, hầu như đã bị xâm hại và xóa sổ.

Vietracimex biến di chỉ thành... cống

Khu vực này đang xây dựng tuyến đường vành đai 3.5 của TP Hà Nội. UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư. Tuyến đường nội bộ của Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Việt Nam (Công ty Vietracimex) làm chủ đầu tư.

Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm hiện gò Mỏ Phượng đã bị san ủi 90% diện tích. Gò Dền Rắn cũng mất tới 50%. Đơn vị thi công đã san ủi làm cống, đường nội bộ. Các hố thám sát mà Viện Khảo cổ thực hiện thời gian qua cũng đã bị lấp.

Khu vực gò Mỏ Phượng đã bị san ủi tới 90% diện tích, gò Dền Rắn cũng mất tới 50% vì đơn vị thi công đã san ủi và làm cống, làm đường

“Chúng tôi đề xuất khu gò Mỏ Phượng và gò Dền Rắn khi chủ đầu tư thi công phải có giám sát của cán bộ chuyên môn. Quá trình khảo sát chúng tôi đã tiến hành tại 25 hố thăm dò. Mỗi hố 40m2 ở hai khu vực này với tổng diện tích 200m2. Đơn vị thi công phải đợi chúng tôi nghiên cứu khai quật hết tháng 11/2019 mới bàn giao lại mặt bằng theo Luật Di sản văn hóa…”, PGS. TS Bùi Văn Liêm nhấn mạnh.

Đối với di chỉ Vườn Chuối, PGS. TS Bùi Văn Liêm cho biết đã đưa ra 3 phương án. Trong đó, có phương án bảo vệ toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối. Trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào. Trong phạm vi khu vực bảo tồn, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, làm rõ giá trị và xây dựng hồ sơ di tích, đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Phương án chỉ bảo vệ 6.000m2. Số còn lại khai quật để di dời, trả mặt bằng cho chủ đầu tư dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Công ty Vietracimex).

“Chúng tôi đang xây dựng các hồ sơ pháp lý cũng như theo Luật Di sản văn hóa để trình xếp hạng di chỉ Vườn Chuối. Đồng thời, có đề xuất xếp hạng các mức như: Cấp thành phố, di tích cấp quốc gia. Cùng với đó, đề xuất các phương án bảo tồn để các cấp có thẩm quyền phê duyệt, phát huy giá trị di chỉ…”, PGS.TS Liêm nhấn mạnh.

TS Nguyễn Doãn Văn - Trưởng ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội cho biết: “Trong trường hợp có xuất lộ và bất thường về hiện vật phải dừng thi công ngay và báo cáo cơ quan chức năng, tuân thủ quy trình của Luật Di dản văn hóa…”, TS Nguyễn Doãn Văn nói.

Còn PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, cụm di chỉ Vườn Chuối qua khảo sát, khai quật phát hiện nơi đây chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn, phản ánh thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên của Việt Nam.

Phá di chỉ vì chưa được xếp hạng di tích?

Ông Lương Công Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho biết, khu vực di chỉ nói trên chưa được công nhận thành các điểm di tích, di sản.

Trước đây thường có các nhà khảo cổ, đoàn sinh viên về nghiên cứu, khảo sát. Tuy nhiên, xã không nhận được những kiến nghị nào đề nghị xã gửi ý kiến thành lập điểm di tích. Chính vì lẽ đó, thiếu căn cứ để bảo vệ.

Về dự án đã được phê duyệt tại lô đất này, ông Hòa cho hay, khoảng năm 2006 – 2007, chủ đầu tư đã được giao đất để thực hiện dự án. Vì chưa được công nhận di tích, di sản nên không có việc tránh để bảo tồn. Đất sau đó được giao cho Công ty Vietracimex thực hiện dự án.

Chúng tôi mong sự kết hợp hài hòa. Trong một hội thảo tại Sở Văn hóa, chúng tôi đã đề nghị khai quật hoàn chỉnh. Đánh giá và trình các cấp ngành có thẩm quyền để đưa vào bảo tồn theo quy định. Nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện” - Phó Chủ tịch xã Kim Chung nói.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ha-noi-nguy-co-di-chi-3500-nam-tuoi-bien-mat-4046541-b.html