Hà Nội: Nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đê điều

Những năm gần đây, với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được quan tâm thực hiện có hiệu quả; qua đó, góp phần bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân…

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Nội chú trọng thực hiện tốt (Ảnh: TL)

Theo đó, trên cơ sở sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và phát huy vai trò nòng cốt của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, các lĩnh vực công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Xác định nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng là vấn đề có tính cốt lõi, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phối hợp cùng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đẩy mạnh một bước công tác tuyên truyền, giáo dục các nội dung về quản lý đê điều; phòng, chống thiên tai. Qua thống kê, đã có hàng chục hoạt động được triển khai tại 270 xã thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố; hình thức, nội dung tuyên truyền đã thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 108 lớp tập huấn, tuyên truyền cho 29.160 giáo viên, học sinh và người dân trên địa bàn Thành phố về công tác quản lý đê điều; phòng, chống thiên tai. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã thực sự phát huy được hiệu quả tại các địa phương. Các nhóm đối tượng được tuyên truyền, tập huấn đều đã nâng cao được nhận thức cũng như được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong quản lý đê điều; phòng, chống thiên tai; có thể áp dụng thực tế vào từng điều kiện cụ thể của địa phương..

Tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 404 km đê các cấp. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý đê điều, các địa phương, cơ quan, đơn vị nòng cốt là Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã thường xuyên thực hiện tốt nhiều nội dung như: Theo dõi diễn biến, xử lý sự cố sạt lở, hư hỏng công trình; các hoạt động liên quan đến đê điều; ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; triển khai các dự án về tu sửa, cải tạo hệ thống đê các cấp... Điển hình như trong năm 2018, trên địa bàn thành phố phát sinh 55 sự cố đã được phát hiện và báo cáo đề nghị xử lý kịp thời (trong đó: 09 sự cố về kè; 05 sự cố sạt lở bờ sông; 15 sự cố về đê; 08 sự cố về cống; 18 sự cố tràn đê).

Công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông được thực hiện thường xuyên. Các sự cố, hư hỏng công trình đê điều được phát hiện, báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời và được UBND Thành phố cho lập dự án đầu tư xử lý.

Đối với công tác ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, do có tốc độ phát triển kinh tế xã hội cao, có giá trị đất đai lớn cùng hệ thống đê điều nhiều nên tình hình vi phạm pháp luật về đê điều ở Hà Nội xảy ra khá phổ biến và có tính chất phức tạp. Năm 2018, trên địa bàn toàn Thành phố xảy ra 197 vụ vi phạm Luật Đê điều. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các Hạt Quản lý đê tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ vi phạm; đề nghị các cấp chính quyền kịp thời xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; đồng thời, phân công lãnh đạo phụ trách địa bàn, thường xuyên xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án tu sửa, cải tạo hệ thống đê các cấp cũng đã được thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng như: Duy tu đặt hàng bảo dưỡng đê điều; Điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết; Cắm mốc chỉ giới thoát lũ sông Đáy...

Đặc biệt, trong công tác phòng chống thiên tai, ngay từ đầu năm, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã chủ động xây dựng Phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm năm 2018 của thành phố Hà Nội; tham mưu thành lập Ban chỉ huy và quyết định phê duyệt phương án Phòng, chống lụt bão công trình Cống Liên Mạc, Cống Long Tửu năm 2018; xây dựng chương trình công tác và tham gia các đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai; đôn đốc các quận, huyện, các sở, ngành chủ động lập và phê duyệt phương án phòng chống thiên tai (PCTT); phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, đào tạo cơ chế chính sách tuyên truyền rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tính riêng trong năm 2018, thành phố Hà Nội đã tổ chức được 43 lớp tại các huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền về pháp luật đê điều và công tác công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh những kết quả cơ bản nêu trên, công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn còn những tồn tại nhất định. Tuy các vi phạm pháp luật về đê điều có giảm, song một số vụ vi phạm lại nổi cộm, như: Việc giải quyết vi phạm còn tồn đọng nhiều, chưa được xử lý triệt để, gây khó khăn cho công tác quản lý. Công tác xây dựng cơ bản tuy đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng một số công trình thực hiện vẫn xảy ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Một số quận, huyện, thị xã còn né tránh thiếu sự tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm. Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến xử lý còn nhiều hạn chế, tính răn đe giáo dục không cao. Các xã, phường, thị trấn chưa coi trọng việc xử lý giải tỏa và còn hình thức thiếu kiên quyết, dứt điểm dẫn đến tình hình vi phạm vẫn phát sinh, số vụ vi phạm xử lý được còn hạn chế…

Theo đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn thủ đô tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, vấn đề căn bản hiện nay là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với lĩnh vực quan trọng này; đồng thời, sớm bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm và kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm tồn đọng cũng như những vi phạm phát sinh mới.

Thực tế thời gian qua cho thấy, những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai ở Hà Nội là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó trực tiếp là cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội. Những chuyển biến tích cực đó đã không chỉ giúp bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân và còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

Bài, ảnh: Tạ Linh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/ha-noi-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-quan-ly-de-dieu-509366.html