Hà Nội: Nhiều người sốc vì bán trái cây phải có đăng ký kinh doanh

Thông tin đến hết năm 2017, 60% các cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành Hà Nội phải có đăng ký kinh doanh, biển hiệu, tuy nhiên theo khảo sát của PV nhiều người kinh doanh chưa biết đến thông tin này. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng lại ủng hộ chủ trương trên, mong sớm đến ngày này.

Chị Nguyễn Thị Phương lo lắng trước đề án thành phố đưa ra. Ảnh: K.O

Chị Nguyễn Thị Phương lo lắng trước đề án thành phố đưa ra. Ảnh: K.O

Hàng rong lo thất nghiệp

Mục đích của Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây” của UBND TP Hà Nội, là nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất bảo quản trái cây, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và góp phần nâng cao văn minh cho Thủ đô. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều người tiêu dùng tỏ ra phấn khởi, ủng hộ chủ trương của thành phố. Bởi lẽ, trước kia nhiều người tiêu dùng khi lựa chọn trái cây cho gia đình thường chỉ dựa vào cảm quan và niềm tin, ít người tiêu dùng biết rõ được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Chị Hoàng Mai Anh (quận Ba Đình) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề án này của thành phố. Tôi sẽ biết rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mình mua, nó có an toàn hay không? Tôi cũng hy vọng chương trình này sẽ được nhân rộng ra đối với các sản phẩm như rau củ, các loại gia súc, gia cầm... để những người nội trợ như chúng tôi không phải lo lắng mỗi khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình”.

Trái ngược với tâm lý hứng khởi của người tiêu dùng thì những hộ kinh doanh, đặc biệt những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bán rong lại tỏ ra lo lắng, hoang mang khi đề án này được đưa vào thực hiện.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Nguyễn Thị Phương (Thạch Thất) lên Hà Nội bán trái cây suốt hơn chục năm nay. Do không có điều kiện thuê cửa hàng, chị tận dụng một góc nhỏ trong khu sân bóng đại học Thủy lợi để buôn bán. Khi nghe được thông tin Hà Nội yêu cầu người bán hoa quả phải đăng kí kinh doanh, chị Phương không khỏi lo lắng.

“Không có tiền thuê cửa hàng tôi mới phải bán ở nơi góc phố thế này. Buôn vài loại hoa quả lặt vặt, có khi tiền lãi chẳng đủ tiền đi thuê cửa hàng. Rồi ít học như tôi thì làm sao mà biết sử dụng máy tính để thanh toán điện tử. Nếu cấm thì tôi lấy đâu tiền mà nuôi con”, chị Phương cho biết.

Khi được hỏi chị có hướng giải quyết nào không khi chủ trương chính thức thực hiện, chị Phương chỉ biết lắc đầu: “Tôi vẫn chưa biết sẽ phải làm nghề gì nếu không được bán rong trái cây nữa. Có khi lại về quê buôn ở chợ gần nhà hoặc tìm việc gì đó làm thêm”.

Cần có lộ trình cụ thể để tránh “sốc”

Chỉ một thời gian nữa, theo đề án thành phố sẽ không còn những gánh hàng rong như vậy nữa.

Tâm lý của chị Phương cũng là tâm lý chung của rất nhiều người kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội. Theo chị Nguyễn Thị Huệ - một người bán hàng rong trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết: “Chúng tôi không có tiền thuê cửa hàng nên phải đi bán rong. Rất mong thành phố tạo điều kiện để khi không được bán hàng rong, chúng tôi có nơi để kiếm kế sinh nhai, chẳng hạn là một chỗ ngồi hoặc chỗ để đứng bán hàng ở chợ dân sinh”.

Hầu hết những người bán hàng rong đều thừa nhận việc buôn bán trên vỉa hè là sai nhưng vì nghèo khó, không đủ tiền thuê mặt bằng, không có chỗ bán đàng hoàng nên họ đành phải vừa bán vừa... chạy. Nếu thành phố chủ trương cấm bán hàng rong họ cũng sẽ đành chấp nhận nhưng cũng hy vọng có một nơi để buôn bán đàng hoàng, kiếm kế sinh nhai.

Theo đề án, UBND TP Hà Nội sẽ chia các đối tượng kinh doanh thành ba nhóm gồm, nhóm kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại; nhóm kinh doanh tại các chợ đầu mối và các khu chợ dân sinh; nhóm kinh doanh cá thể trên vỉa hè, bán rong ở lòng đường. Trong đó, trước mắt thành phố sẽ siết chặt quản lý và làm thí điểm ở những đối tượng bán hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể ở vỉa hè; bắt đầu thí điểm ở các quận nội thành, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những người bán hàng rong là đối tượng rất khó xử lý, cần có những phương án, chính sách cụ thể để vẫn đảm bảo cuộc sống cho họ.

Theo TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Đây là việc nên làm vì người tiêu dùng rất cần những chính sách như thế này, đặc biệt liên quan đến các vấn đề rau quả, thực phẩm khi mà thời gian gần đây vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở nên nhức nhối. Mục đích, mục tiêu của đề án này là hoàn toàn chính xác nhưng mà quan trọng là có lộ trình. Chúng ta cần quan tâm đến những bà con có nguồn thu nhập thấp. Chúng ta nên làm từng bước, có hướng giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Rõ ràng việc dẹp nạn bán hàng rong là vấn đề không hề mới, nó đã được đưa ra trong rất nhiều cuộc họp. Trước đây, Hà Nội cũng đã thí điểm cấm bán hàng rong trong các khu du lịch, các khu di tích lịch sử, tuy nhiên chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy. Đề án của thành phố rất đáng hoan nghênh tuy nhiên cần có những tính toán kĩ lưỡng, có những biện pháp hợp lý để tránh “sốc”, làm ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây". Theo Đề án, đến hết năm 2017, 60% các cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh, có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị; tiến tới có hệ thống máy thu ngân, kết nối thanh toán điện tử; người kinh doanh được tập huấn về ATTP... Đến hết năm 2018, 100% các cửa hàng đều có đăng ký kinh doanh. Thành phố cũng sẽ xóa sổ toàn bộ các điểm kinh doanh trái cây bán rong trên vỉa hè gây mất trật tự hoặc các cơ sở không đăng ký kinh doanh, nguồn gốc trái cây không rõ ràng.

Kim Oanh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-nhieu-nguoi-soc-vi-ban-trai-cay-phai-co-dang-ky-kinh-doanh-2017090509293831.htm