Hà Nội: Nhiều trường học 'âm thầm' gỡ 'danh xưng' trường quốc tế

Sau vụ học sinh lớp 1 Trường Gateway tử vong, nghi do bị bỏ quên trên xe ô tô, nhiều người tá hỏa khi biết một số trường tự gắn mác 'quốc tế' để thu hút người học. Hiện, một số trường đã 'âm thầm' bỏ chữ 'quốc tế' sau thông tin các cơ quan chức năng sẽ rà soát.

Trên website của Trường Gateway Hà Nội đã thay đổi từ “quốc tế” thành Trường tiểu học và THCS Gateway.

Tuy nhiên, đến chiều tối 17/8, biển tên được xây dựng kiên cố trước cổng trường hiện vẫn giữ nguyên dòng chữ “Gateway Internationnal School”.

Trường quốc tế Việt – Hàn cũng đã bỏ chữ “quốc tế” ở biển tên. Các trường như Mầm non quốc tế IQ và tiểu học Quốc tế IQ (Hà Đông); Trường quốc tế Alaska ở Cầu Giấy… cũng đã tự gỡ bỏ danh xưng “quốc tế”.

Ngoài ra, xe đưa đón của trường Phổ thông quốc tế Newton đổi tên thành trường Phổ thông Liên cấp Newton. Trường Mầm non Quốc tế IQ và Tiểu học quốc tế IQ (địa chỉ số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội) cũng mới dán lại biển chỉ dẫn tên trường và bỏ hoàn toàn danh xưng quốc tế.

Sau vụ học sinh trường Gateway tử vong, nhiều người mới vỡ lẽ mác "quốc tế" là do một số trường tự phong.

Sau vụ học sinh trường Gateway tử vong, nhiều người mới vỡ lẽ mác "quốc tế" là do một số trường tự phong.

Trước đó, trả lời PV Dân trí, ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 11 trường quốc tế được thành lập theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường khác là có yếu tố nước ngoài, không phải trường quốc tế.

Ông khẳng định, thời gian tới, sở sẽ công bố danh sách các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh biết. Những trường có sai phạm, sở sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay tên gọi của trường quốc tế phải đúng theo quy định của luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ "quốc tế", trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm. Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh hiểu lầm của cha mẹ và học sinh.

Phó giám đốc Lê Ngọc Quang cho rằng cần luật hóa chế tài xử phạt về việc này. Hiện nay, định nghĩa về trường quốc tế chưa đầy đủ và chưa có chế tài vận dụng để xử lý, vì vậy cần vận dụng các điều kiện của địa phương trong vấn đề này.

Mặc dù vậy, trong thời gian chưa có các đoàn thanh kiểm tra để trả tên thật của các trường về đúng nghĩa, nhiều nơi vẫn mập mờ khó hiểu.

Chẳng hạn, mặc dù bỏ danh xưng “quốc tế” tuy nhiên, khi truy cập vào địa chỉ của Trường IQ, nhà trường vẫn quảng cáo là “trường liên cấp- tiêu chuẩn quốc tế”.

Đối với trường Alaska, khi PV truy cập vào địa chỉ của trường, trang web chỉ dẫn sang một đường link facebook khác và cho biết, đường link mới này mới là địa chỉ chính thức của nhà trường.

Trên trang facebook được dẫn đến, logo là Alaska Academy nhưng bên dưới ghi Trường quốc tế Alaska.

Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với PV Dân trí ngày 18/8, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, hiện nay có một số loại hình trường quốc tế. Thứ nhất là trường hoàn toàn quốc tế và trường chỉ có một bộ phận “quốc tế”.

Lợi dụng đặc điểm này, nhiều trường đang thu hút người học bằng những quảng cáo “quốc tế” rất rầm rộ trên website.

Chẳng hạn theo ông Vũ, địa bàn của ông hiện có 3 trường quốc tế: Trường UNIS- đây là một trong hai trường quốc tế Liên hiệp quốc duy nhất trên thế giới (ngôi trường đầu tiên có trụ sở ở New York, Mỹ), Trường mầm non quốc tế Acacia và Trường Sakura Hoa Anh Đào.

Trong đó, hai trường Acacia và Sakura Hoa Anh Đào có 100% học sinh nước ngoài, còn Trường UNIS có 10% học sinh là người Việt Nam.

Còn lại, có 2 trường có một bộ phận quốc tế là Trường Horizon và Trường Việt Nam Singapore. Ông Vũ cho hay: “Tôi rất ghét kiểu treo đầu dê bán thịt chó, tên trường một đằng, chất lượng một nẻo, nên không phải khi xảy ra vụ việc ở Trường Gateway mà trước đó, riêng về trường quốc tế, chúng tôi thường xuyên kiểm tra”.

Về câu hỏi, nếu một số trường chỉ “một bộ phận quốc tế” nhưng vẫn quảng cáo rầm rộ là trường quốc tế trên website, ông Vũ cho hay, sẽ cho kiểm tra lại và sẽ yêu cầu xử lý ngay nếu không chính xác.

Tại quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận cho biết, trong thời gian tới sẽ rà soát lại. Nếu các trường không được cấp phép hoạt động với tên “quốc tế” mà gắn mác quốc tế sẽ yêu cầu thay đổi.

/*Tiêu đề do Phapluatplus.vn đặt lại.

Mỹ Hà - Theo Dân Trí

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/ha-noi-nhieu-truong-hoc-am-tham-go-danh-xung-truong-quoc-te-d104883.html