Hà Nội nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thành phố Hà Nội xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện tiên quyết để đạt được những tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, thành phố chọn đột phá từ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để phát triển kinh tế từng địa phương nói riêng và thành phố nói chung tạo động lực xây dựng NTM.

Ứng dụng công nghệ cao trong ươm giống hoa lan xuất khẩu tại xã Ðan Hoài, huyện Hoài Ðức. Ảnh: THANH HẢI

Ứng dụng công nghệ cao trong ươm giống hoa lan xuất khẩu tại xã Ðan Hoài, huyện Hoài Ðức. Ảnh: THANH HẢI

Hiện nay, TP Hà Nội có 131 mô hình ứng dụng NNCNC đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp mô hình này chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp khiến các mặt hàng nông sản đa dạng, có giá trị kinh tế cao; đồng thời, người dân được giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập.

Tại huyện Thanh Oai, hết năm 2018, đã chuyển đổi thành công hơn 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Bước đầu hình thành 10 mô hình sản xuất NNCNC với tổng diện tích đạt gần 300 ha, tại các xã Thanh Cao, Cao Viên, Thanh Mai, thị trấn Kim Bài... cho doanh thu hơn 200 triệu đồng/ha/năm (đối với các mô hình trồng cam canh, bưởi diễn) và 120 triệu đồng/ha/năm (đối với mô hình trồng rau sạch). Giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương tăng gấp hai đến ba lần so với trồng lúa.

Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hồng Phát (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) mạnh dạn đầu tư công nghệ cao trong sản xuất cây măng tây và nhiều loại rau an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc)... Bí thư Ðảng ủy xã Hồng Dương Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc trồng măng tây ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 1,5 đến hai tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm cho khoảng 25 đến 30 lao động thường xuyên là người địa phương, vào thời điểm chính vụ có thể dao động từ 50 đến 60 lao động, với mức lương bình quân từ năm đến bảy triệu đồng/lao động.

Tại huyện Thanh Trì, NNCNC cũng trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu cây trồng toàn huyện. Hằng năm, huyện chủ động bố trí năm tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ đó, những mô hình NNCNC tăng nhanh cả về lượng và chất. Xã Yên Mỹ đã phát triển vùng trồng rau an toàn với diện tích 70 ha. Trong đó có khoảng 12 ha trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ðáng chú ý là mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Ðức Phát do ông Nguyễn Mạnh Hồng làm giám đốc. Nhờ sự hỗ trợ của huyện và xã, ông Hồng mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng ni-lông, lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống bơm động lực, hệ thống cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn... nên cây trồng thủy canh của HTX không chịu tác động của mưa, nắng; hạn chế được sâu, bệnh. Trong quá trình sản xuất, dinh dưỡng cung cấp cho cây được kiểm soát nên bảo đảm có rau thu hoạch liên tục. Bình quân, mỗi năm HTX Hồng Phát sản xuất khoảng 11 lứa rau, cho thu nhập gần 900 triệu đồng, cao hơn 20 lần so với trồng rau truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích... Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn đem lại không ít lợi thế cho HTX Hồng Phát nói riêng, người nông dân nói chung. Ðó là có thể chủ động trồng cây trái vụ cho giá trị kinh tế cao.

Thực tế cho thấy, phát triển NNCNC là hướng đi đúng và phù hợp với nền nông nghiệp của thành phố. Nhiều mô hình ứng dụng NNCNC, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Thủ đô trong năm 2018 ước đạt 46,5 triệu đồng/ người/năm. Trong đó, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Hoài Ðức 48,6 triệu đồng, Gia Lâm 47,6 triệu đồng, Ðông Anh 47 triệu đồng. Hiện, nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ, nguồn lực kinh tế để phát triển những mô hình này. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình NNCNC vẫn còn là thách thức không nhỏ do tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ đang thu hẹp đất nông nghiệp. Nhiều địa phương kiến nghị thành phố nên thay đổi các quy định về quỹ đất tối thiếu đối với việc thành lập trang trại, công ty... tạo điều kiện để những đơn vị này có thể sản xuất và xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng nông sản ra thị trường trong nước và thế giới. Ðồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cần chủ động trong phối kết hợp với các cơ quan, chính quyền của thành phố làm tốt công tác dự báo thị trường cho các chủ trang trại, công ty xây dựng kế hoạch sản xuất, tránh rủi ro "được mùa, rớt giá" do không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố sẽ thúc đẩy các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường giám sát, chứng nhận chất lượng, có chính sách hỗ trợ hệ thống các điểm bán hàng nông sản an toàn tại siêu thị, chợ, khu dân cư tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản của nhân dân. Ðồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.

Những giải pháp trước mắt và lâu dài được đề ra cụ thể. Việc còn lại là thực thi bài bản để kinh tế nông thôn thật sự bứt phá, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng NTM của thành phố sớm về đích.

PHƯƠNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41484802-ha-noi-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi.html