'Hà Nội nổ súng, nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm'

'Ngôi nhà trong thành phố' đã tái hiện một Hà Nội không chỉ bi tráng trong chiến tranh, mà còn rất đỗi nên thơ với cốt cách, tâm hồn người Hà Nội.

Cảnh chen lấn, xô đẩy mua vé trong kịch 'Ngôi nhà trong thành phố' "Ngôi nhà trong thành phố" do cố nhà viết nhạc Xuân Trình làm tác giả, NSND Lê Hùng đạo diễn.

Trước thềm kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Nhà hát Kịch Hà Nội công diễn vở kịch Ngôi nhà trong thành phố, kịch bản của cố nhà viết kịch Xuân Trình, do NSND Lê Hùng làm đạo diễn.

Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Thu Hà, Phú Thăng, Thanh Hương, Mạnh Hưng, Thiện Tùng, Ngọc Quỳnh, Diễm Hương,... cùng đông đảo diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội. Đây có lẽ cũng là vở diễn huy động nhiều diễn viên tham gia nhất của nhà hát trong thời gian gần đây.

Tái hiện lịch sử oai hùng của Hà Nội

Ngôi nhà trong thành phố lấy bối cảnh Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Đó là giai đoạn 1968-1970 khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đưa máy bay B52 phá hoại Hà Nội.

Ngôi nhà trong thành phố, kịch bản của cố nhà viết kịch Xuân Trình, do NSND Lê Hùng làm đạo diễn.

Trong bối cảnh đó, tại ngôi nhà tập thể nhỏ xinh trong lòng thành phố Hà Nội, bà giáo không tên (NSƯT Thu Hà) chuẩn bị tiễn chân người con thứ hai - Phước (Thiện Tùng) lên đường nhập ngũ. Bà giáo có hai người con đều cho đi bộ đội, phục vụ Tổ quốc thời loạn.

Hải - con trai cả của bà hiện là bộ đội hải quân đang chiến đấu ngoài đảo Cồn Cỏ. Trong khi Phước đã phải viết tâm thư bằng máu mới được ra chiến trường. Trước khi nhập ngũ, Phước quyết định ra mắt người yêu - cô ca sĩ Thúy Hà (Thanh Hương) - với mẹ.

Sự xuất hiện của Thúy Hà trong mâm cơm thời chiến đẩy cảm xúc của tất cả nhân vật sang một ngã rẽ mới. Nhâm - cô gái hàng xóm thầm thương trộm nhớ Phước - đã không giấu được nỗi buồn, sự bẽ bàng trước đôi trẻ. Trong khi, bà giáo cũng chưa thực ưng ý bạn gái con trai mình.

Nhưng thời chiến, thời gian dường như không đủ để họ hiểu nhau hơn. Bữa cơm kết thúc khi gần như chưa ai động đũa. Phước lên đường nhập ngũ, cũng là ngày Hà Nội chuẩn bị nổ súng bảo vệ bầu trời và mảnh đất "địa linh nhất kiệt".

Ngôi nhà trong thành phố với vọn vẹn chưa đầy 2 tiếng nhưng đã tái hiện sự bi tráng, oai hùng của Hà Nội và con người Hà Nội.

Ngôi nhà trong thành phố với vọn vẹn chưa đầy 2 tiếng nhưng đã tái hiện sự bi tráng, oai hùng của Hà Nội và con người Hà Nội. Cả thành phố Hà Nội đã sơn đen để bảo vệ nhà máy điện. Khi người Hà Nội chấp nhận hy sinh diện mạo, vẻ đẹp lãng mạn bên ngoài để bảo vệ cái chung, ấy là khi người Hà Nội yêu nước.

Những con người Hà Nội như bà giáo, anh Phước, anh Thông, chị Nhâm, cô ca sĩ Thúy Hà, bác Điềm... tuy trong lòng đều mang những câu chuyện, những nỗi niềm riêng nhưng khi Tổ quốc cần, tất cả đều một lòng vì Thủ đô, vì đất nước. “Bằng như máu thịt còn chẳng tiếc, coi như hiến cả con ạ...”, lời bà giáo nói cũng là sự quyết tâm của rất nhiều người Hà Nội thuở ấy.

Nhưng bên cạnh một Hà Nội của những ngày náo nức, khi sinh viên xếp bút nghiêng để ra mặt trận, khi người già trẻ em đi sơ tán, khi những thanh niên quyết ở lại để "sống chết" cùng thủ đô; thì cũng có những nét xấu xí của thời bao cấp. Vở diễn tái hiện một phần sự hách dịch của cán bộ bán vé tại bến xe, chuyên tuồn vé ra ngoài chợ đen thay vì bán cho dân đúng giá.

Nhưng, trong diễn biến của vở diễn, những nét xấu xí chỉ được nhắc nhớ thoảng qua, thay vì khai thác quá sâu. Trung tâm thông điệp của tác phẩm vẫn là vẻ đẹp, cốt cách Hà Nội.

Vở diễn nhẹ nhàng như một bài thơ

Ngôi nhà trong thành phố như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội. Dù bom đạn khốc liệt có thể tàn phá nhà cửa, có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào, nhưng người Hà Nội vẫn sống lạc quan, kiên cường và lịch lãm.

Đặc biệt, trong chiến tranh, bom đạn, người Hà Nội vẫn có sự lãng mạn, hào hoa của riêng mình. Bà giáo trước khi đi sơ tán vẫn tưới cây cho hoa. Để rồi, một nhân vật phải thốt lên “Hà Nội nổ súng, nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm.” (Trích tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi - nhà văn Nguyễn Tuân).

Hay như anh lính trẻ tên Thông (Mạnh Hưng) ngậm ngùi nếu Hà Nội bị phá nát, chỉ cần ngửi thoang thoảng hương hoa sữa, anh sẽ ngay lập tức nhớ về những kỷ niệm xưa. Lời nói của Thông khiến bà giáo phải rơi nước mắt.

Vở diễn cũng sử dụng một số trích đoạn nhạc ngắn của Chopin, Mozart và ca khúc O Sole Mio (Mặt trời của tôi). Và xuyên suốt vở kịch là ca khúc Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi). Âm nhạc khiến vở diễn đầy tình tự lãng mạn, khiến tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, dễ xem, không "đao to búa lớn" hay quá nặng về tính bi thương, oai hùng.

Ngôi nhà trong thành phố như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội.

Dàn diễn viên nhìn chung diễn tròn vai, trong đó ấn tượng hơn cả là Thanh Hương, trong khi Thiện Tùng dù đóng vai nam chính nhưng mờ nhạt, và có phần già hơn nhân vật. NSƯT Thu Hà dù có đôi chỗ nói nhịu trên sân khấu, nhưng vẫn hấp dẫn người xem bằng những nét diễn rất Hà Nội.

Thu Hà đã tái hiện thành công vẻ dịu dàng, thanh lịch của người Hà Nội xưa. Bà giáo ít nói, hiền lành, gần như không to tiếng với ai. Bà yêu thương con trai, yêu thương cô cháu gái, yêu thương cô ca sĩ Thúy Hà, và trân trọng cả những người hàng xóm, làng giềng. Một tâm hồn, và cốt cách Hà Nội đúng nghĩa.

Tuy còn có những hạn chế về thiết kế sân khấu, sử dụng màn hình LED, nhưng vở diễn của "quái kiệt" - NSND Lê Hùng đã mang đến những cảm xúc đẹp đối với khán giả Hà Nội đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Ngôi nhà trong thành phố được Nhà hát Kịch Hà Nội tiếp tục diễn trong thời gian tới.

Khuê Tú

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ha-noi-no-sung-nhung-ha-noi-van-no-hoa-hoa-no-ngay-nach-ham-post881551.html