Hà Nội nói không với chung cư, cao ốc… gây ùn tắc giao thông

TP Hà Nội sẽ hạn chế các chung cư, cao ốc gây áp lực lên hạ tầng giao thông tại khu vực trung tâm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 48/2022 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP. Nghị quyết hướng đến ba mục tiêu giảm 5%-10% tai nạn giao thông, tăng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng lên mức 30%-35% vào năm 2022 và hằng năm giảm được 7-10 điểm đen về ùn tắc giao thông.

Không chấp thuận cao ốc gây ùn tắc giao thông

Để đảm bảo ba mục tiêu chính trên, TP Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp. Cụ thể là triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khoa học hợp lý; đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng trong đô thị tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân...

Về nội dung này, Sở GTVT Hà Nội cho biết sở đã tham mưu cho TP, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có nhiều biện pháp thiết thực, hỗ trợ Hà Nội thực hiện nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông, trong đó có việc di dời các trường đại học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất... ra ngoại thành. Hiện nay một số cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền của TP đã lần lượt được di dời, tuy nhiên các cơ sở, trụ sở của các cơ quan bộ, ngành của trung ương thì vẫn chậm trễ trong công tác di dời.

Đặc biệt, kế hoạch cũng đề ra giải pháp sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Trong đó, lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, ATGT vào các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

TP Hà Nội quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện các quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

Để thực hiện nội dung này, UBND TP Hà Nội giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện, thị xã quản lý công tác quy hoạch và xây dựng đô thị, bảo đảm các kết nối giao thông, công trình ATGT tiếp nhận cho người khuyết tật và an toàn cho người tham gia giao thông dễ bị tổn thương.

Đồng thời chỉ chấp thuận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ quy hoạch các dự án khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại… khi các nội dung đề xuất phù hợp với định hướng quy hoạch, tuân thủ các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, quy định về chỉ tiêu diện tích bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục chính trong đô thị, không gia tăng áp lực gây ùn tắc giao thông.

Nhằm giảm ùn tắc, Hà Nội sẽ chỉ chấp thuận các dự án cao ốc, chung cư không gia tăng áp lực gây ùn tắc giao thông. Ảnh: PHI HÙNG

Ngăn việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng nội dung “nói không với chung cư, cao ốc… gây ùn tắc” trong bản kế hoạch trên không phải là nội dung mới. “Bởi vì Hà Nội đã ra một quyết định về quy hoạch phát triển nhà cao tầng trong khu vực nội đô, trong đó đã định hướng hết các tiêu chí về dân cư, giao thông… Vấn đề là người ta không thực hiện quy hoạch này thôi” - ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, hiện nay giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch có sự khác nhau. Thực tế cho thấy nhiều dự án liên tục bị điều chỉnh quy hoạch, cái sau phá vỡ cái trước, dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ, băm nát… và các dự án sau khi hoàn thành làm tăng chỉ tiêu về dân cư, gây áp lực lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Do đó, để rút ngắn khoảng cách giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần ngăn việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện. Muốn làm điều này trước hết phải xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo chất lượng.

Ở một góc độ khác, chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan cho rằng Hà Nội cần sớm kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành. Trong đó, phải ưu tiên sử dụng quỹ đất này để phát triển hạ tầng giao thông hoặc phục vụ mục đích công cộng.

“Kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục, ngoại thành Hà Nội đã có rồi nhưng nhiều năm qua chưa triển khai được. Nếu không quyết liệt hoàn thành mục tiêu đó, ùn tắc giao thông sẽ còn kéo dài hơn nữa” - ông Phan nói.•

Nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp

Bản kế hoạch của UBND TP Hà Nội cho biết sẽ đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai (tập trung nguồn lực hoàn thiện các tuyến đường vành đai 3, 4, 5); các trục hướng tâm, các trục chính đô thị, các tuyến đường có tính liên kết vùng… Tập trung phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận các đầu mối giao thông công cộng…) theo quy hoạch.

Về tổ chức giao thông, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-noi-khong-voi-chung-cu-cao-oc-gay-un-tac-giao-thong-post697317.html