Hà Nội ô nhiễm bụi cao nhất trong các đô thị

Môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam đã bị ô nhiễm bởi thông số bụi PM2.5 ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Tp Hà Nội có giá trị PM2.5 cao nhất...

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân hạn chế mở cửa sổ

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có báo cáo về chất lượng không khí tháng 12/2019. Theo đó, trong tháng 12/2019, chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam tiếp tục có những diễn biến xấu, trong đó, đợt cao điểm ô nhiễm diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 07-14/12 có mức độ khá nghiêm trọng.

Số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn có giá trị đạt tiêu chuẩn cho phép quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

Trong đó, các thành phố ở khu vực miền Bắc có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, riêng Hà Nội có giá trị cao nhất.

Nhiều thời điểm, chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu. Ảnh minh họa.

Trong đợt cao điểm (từ ngày 7-14/12/2019) đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 cao nhất, vượt QCVN 05:2013/BTNMT lên tới 2,8 lần tại Hà Nội.

Tại một số thành phố khác như Việt Trì, Hạ Long, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 trong không khí cũng tăng cao vượt quy chuẩn Việt Nam. Bên cạnh đợt cao điểm (từ ngày 7-14/12) cũng ghi nhận một số khoảng thời gian ô nhiễm ngắn với giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quy chuẩn Việt Nam.

Đối với các thành phố ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 về cơ bản vẫn đạt quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, đã có một số ngày ghi nhận giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quy chuẩn.

Tại Tp Hồ Chí Minh cũng ghi nhận một số ngày có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 vượt quy chuẩn.

Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày cho thấy, tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao; trong một số ngày đã ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu.

Cụ thể, đối với Hà Nội, tỷ lệ số ngày có AQI ở mức trung bình chiếm 29%; mức kém chiếm 48,4% và mức xấu 22,6%. Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt chiếm 11,5%; mức trung bình 46,2%; mức kém 26,9% và mức kém 15,4%. Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt chiếm 4,8%; mức trung bình 47,6%, mức kém 42,9% và mức xấu 4,8%.

Tại các đô thị khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình. Cụ thể, Tp Huế có tỷ lệ số ngày có AQI mức tốt 67,7%; mức trung bình 29% và mức kém 3,2%. Tp Đà Nẵng có tỷ lệ AQI ngày mức tốt 74,2%; mức trung bình 22,6% và mức kém 3,2%.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, chất lượng không khí phổ biến ở mức trung bình (83,9%), mức tốt 3,2% và mức kém 12,9%.

Với Thủ đô Hà Nội, trong tháng 12, ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng cả về số ngày và mức độ nghiêm trọng so với tháng 11. Trong hầu hết các ngày, giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 đo được tại các trạm quan trắc đều vượt QCVN, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ ngày 11-14/12.

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm quan trắc trong tháng 12 cho thấy, hầu hết giá trị AQI ngày ở mức kém (AQI>100). Trong đợt cao điểm ô nhiễm (từ ngày 8-14/12), hầu hết giá trị AQI tại các trạm ở mức xấu (AQI >150) và đã ghi nhận giá trị AQI ngày ở mức rất xấu (AQI>200).

Kết quả tính toán AQI giờ (đánh giá chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại các trạm, tỷ lệ số giờ có chỉ số AQI mức tốt là 4,5%, mức trung bình 28,4%; mức kém 36,5%, mức xấu 25,2% và mức rất xấu 5,3%. Mức rất xấu (AQI >200) tập trung vào các ngày từ 10-14/12.

Trong đợt cao điểm ô nhiễm, khoảng thời gian ghi nhận giá trị AQI giờ ở mức kém đến rất xấu thường tập trung khoảng từ 22 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian lặng gió và thuận lợi cho hiện tượng nghịch nhiệt, điều này làm tích tụ các chất ô nhiễm trong không khí xuống tầng sát mặt đất.

Tổng cục Môi trường đánh giá, môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam đã bị ô nhiễm bởi thông số bụi PM2.5 ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Tp Hà Nội có giá trị PM2.5 đo được là cao nhất, còn của Tp Huế là thấp nhất.

Tp Hà Nội cũng như miền Bắc của Việt Nam đang trong thời gian mùa đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 thường cao nhất trong năm.

Do đó, cơ quan này khuyến cáo người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí. Đặc biệt, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên sử dụng khẩu trang chống bụi và hạn chế các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ.

Nguy cơ ung thư từ bụi mịn

Chia sẻ về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí và bụi mịn đến sức khỏe con người, bác sĩ Phạm Văn Hoàn cho biết ô nhiễm không khí và bụi mịn hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Mức độ ô nhiễm bụi mịn ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối.

Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người. Nghiêm trọng nhất trong số đó là bụi mịn hay bụi PM 1.0.

Bụi mịn được ví như “sát thủ thầm lặng” với sức khỏe con người.

Theo các chuyên gia, nếu bụi PM2.5 có thể đi thẳng, sâu vào mô, phế nang phổi và gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, viêm phế quản mạn tính, thì bụi mịn PM 1.0 nhỏ hơn (có kích thước 1 μm), thậm chí cả bụi nano (≤ 0,1μm) có thể vượt qua tất cả hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi oxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA.

Khẩu trang, trồng cây xanh làm giảm tác hại từ bụi mịn

Tình trạng bụi mịn kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người nói chung, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch kém hoặc chưa phát triển hoàn toàn như người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính… Những biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khi di chuyển ngoài đường và về nhà lúc này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo bác sĩ Hoàn, mọi người nên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu.

Khi ra đường, mọi người nên sử dụng khẩu trang; vệ sinh mũi, súc họng, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Đồng thời, các thành viên cần thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa; hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas; tăng cường trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

PV (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-noi-o-nhiem-bui-cao-nhat-trong-cac-do-thi-post32836.html