Hà Nội ô nhiễm không khí, do đâu?

Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc đang ô nhiễm không khí ở mức báo động, nguyên nhân chủ yếu là do con người

Liên tiếp những ngày qua, chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc luôn nằm trong mức "kém" với chỉ số chất lượng không khí (AQI) phổ biến từ 120-160. Nhiều điểm có AQI trên 150 - ngưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng

Theo bảng phân cấp AQI ở Việt Nam, từ 100-200 thuộc nhóm "kém". Khi không khí ở ngưỡng này gây ảnh hưởng xấu đến những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch. Còn ở Úc, AQI trên 150 thuộc nhóm "rất kém", ảnh hưởng xấu đến tất cả mọi người.

Nhiều ngày qua, AQI đo tại hơn 20 điểm ở Hà Nội luôn ở ngưỡng trên 100 (mức "xấu"). Riêng điểm đo tại đường Tô Hiệu (quận Hà Đông), Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Công viên Hòa Bình, Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) đều cho thấy AQI trên 150 (mức "kém"). Chỉ số bụi mịn PM 2.5 từ 90 đến 140 (mức "nguy hiểm"). Riêng điểm quan trắc Hàng Đậu, AQI duy trì mức trên 150 trong 3 ngày liên tiếp. Còn kết quả do hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đặt tại quận Đống Đa cho thấy chỉ số bụi PM 2.5 có thời điểm đã đạt đỉnh 183 hôm 16-9.

Ô nhiễm không khí là nỗi lo của người dân Hà Nội và khu vực miền Bắc những ngày qua

Ô nhiễm không khí là nỗi lo của người dân Hà Nội và khu vực miền Bắc những ngày qua

Lý giải tình trạng trên, ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự báo khí tượng thủy văn, cho rằng những ngày qua, thời tiết miền Bắc ở giai đoạn chuyển giao giữa mùa nóng và lạnh nên các khối không khí ít biến động. Không khí không thể bốc lên cao theo hoạt động đối lưu, không có hiện tượng ngưng kết mây, gây mưa. Ở phương ngang thì không có gió thổi vào để di chuyển khối khí ô nhiễm đi nơi khác. Ngoài ra, hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí xấu.

Còn theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của thủ đô. TP xác định có 2 nguyên nhân chính gồm hoạt động giao thông và tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng.

Chủ yếu là do xả thải

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tiếp những ngày qua nhưng chủ yếu là tình trạng xả thải (khói, bụi, hơi, hóa chất…) của các nhà máy trên địa bàn đang rất bừa bãi.

Theo ông Sơn, trong các nhà máy có các quạt hút bụi, mùi và đẩy ra môi trường bên ngoài. Vì vậy, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì môi trường bên trong các nhà máy luôn đạt tiêu chuẩn nhưng không khí xung quanh, bên ngoài nhà máy lại luôn ô nhiễm. Không chỉ ở Hà Nội, đây là tình trạng chung xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước.

Ông Sơn cho rằng một bất cập lớn ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng là việc quy định tiêu chuẩn chất lượng không khí mà các nhà máy, các khu công nghiệp thải ra. "Người ta chỉ quan tâm đến việc mỗi nhà máy thải ra bao nhiêu m3 khí (nằm trong ngưỡng cho phép) và khi kiểm tra thì chỉ quan trắc cục bộ tại một số điểm, khu vực nhất định chứ không quan tâm đến việc tổng lượng khí mà tất cả nhà máy, các khu công nghiệp thải ra môi trường. Vì vậy, để bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng phải thay đổi các tiêu chí về việc xả thải ra môi trường một cách chặt chẽ hơn" - ông Sơn phân tích.

Còn ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khẳng định ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thể đổ cho thời tiết mà chính do con người. "Ở Hà Nội hiện nay, giao thông quá đông đúc, các công trình đang xây dựng quá nhiều nên lượng bụi rất lớn. Hà Nội phải kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ cơ sở, trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Phải tìm cách để giảm mật độ lưu thông của các phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng, vấn đề này phải có biện pháp đồng bộ và phải làm ngay" - ông Tùng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng cần nghiên cứu, đưa những kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng… để giảm phát sinh bụi. Ngoài ra, ở các vùng ven Hà Nội, người dân có thói quen đốt rơm rạ, chính quyền phải có cách để xóa bỏ tình trạng này. "Số lượng cây xanh ở Hà Nội hiện nay là chưa đủ, cần nghiên cứu và trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa để điều hòa không khí" - ông Tùng nói thêm.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm quan trắc môi trường. Ngoài ra, TP cũng phát triển các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. "Việc cấp bách hiện nay là di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Với các giải pháp trên, tôi tin rằng nếu thực hiện đồng bộ thì chất lượng không khí tại Hà Nội sẽ được cải thiện" - ông Võ Tuấn Nhân nói.

Nhiều tỉnh miền Bắc ô nhiễm hơn Hà Nội

Những ngày qua, nhiều điểm ở đồng bằng Bắc Bộ có chỉ số AQI ở ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng, vượt qua Hà Nội. Ngày 17-9, từ 5 giờ sáng, nhiều điểm đo đã đỏ rực (ngưỡng AQI từ 150 trở lên), như: Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) 170; TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) 151; Hải Phòng 161; TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) 163; TP Việt Trì (Phú Thọ) 162. Có thời điểm, khi chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện, nhiều tỉnh lân cận vẫn ô nhiễm nghiêm trọng.

Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ha-noi-o-nhiem-khong-khi-do-dau-20190922211729967.htm