Hà Nội phải tiến về phía Bắc, không phải phía Tây

Chuỗi đô thị Bắc sông Hồng nối thành vòng cung từ Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái là hành lang kinh tế đáng kể nhất của Bắc Bộ.

Những dãy biệt thự, nhà liền kề phơi nắng phơi sương, bỏ hoang từ nhiều năm nay tại khu đô thị huyện Hoài Đức (phía Tây, thuộc Hà Nội). Ảnh: TL

Sau đợt mở rộng địa giới gần đây nhất vào năm 2008, thành phố Hà Nội có 6,233 triệu dân và nằm trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Sự quá tải của Hà Nội đang tiêu diệt chính nó

Theo kết quả cuộc điều tra dân số ngày 1.4.2009, dân số Hà Nội là 6.451.909 người, dân số trung bình năm 2010 là 6.561.900 người. Đến nay, ước tính dân số Hà Nội đạt trên 8 triệu người. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 1.979 người/km². Mật độ dân số cao nhất là ở quận Đống Đa lên tới 35.341 người/km², trong khi đó, ở những huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, mật độ dưới 1.000 người/km².

Sự quá tải của Hà Nội đang tiêu diệt chính nó. Thành phố đang sắp đạt đến ngưỡng của một megacity, song quá trình tăng dân số không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng và quản lý đô thị. Cấu trúc mở rộng bị thiếu hụt hạ tầng công cộng và xoay quanh sử dụng hạ tầng đô thị cũ của khu vực nội đô lịch sử. Khu vực này, với không gian hữu hạn của nó, tiếp tục là trung tâm đáp ứng nhu cầu công cộng, dịch vụ, việc làm, của một thủ đô lớn gấp 22 lần.

Thời gian để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nếu có đủ vốn và chỉ tính cho việc thi công mà không bao gồm thời gian quy hoạch, thiết kế, xem xét, phê duyệt…, thì cũng đã không dưới 10 năm. Có nghĩa là trong 1 đến 2 thập kỷ nữa, tình trạng bế tắc, quá tải của hệ thống giao thông mặt đất sẽ ngày càng nan giải.

Sự cạnh tranh khốc liệt trong các không gian sống chật chội khiến hạ thấp giá trị cá nhân người thành thị. Người bán hàng chạy theo lợi nhuận và làm cho hàng chất lượng thấp tràn lan, các nhà hàng sử dụng thực phẩm ngâm hóa chất đầu độc người tiêu dùng, các thầy thuốc kê kháng sinh bừa bãi làm giảm sức đề kháng của toàn cộng đồng, các cô dạy trẻ thì bạo hàng trẻ con… Những hiện tượng suy thoái đạo đức lan tràn là điều đã thấy rõ. Phẩm hạnh không còn là mục tiêu chính của số đông khi mà sự cạnh tranh sinh tồn khiến người ta luôn phải hạ dần giá trị sản phẩm lao động của mình mới mong còn chỗ đứng trong đô thị.

Bà con người Dao, xã Ba Vì (phía Tây, thuộc Hà Nội) đang thu hoạch thuốc Nam. Ảnh: TL

Vai trò của chính sách

Một trong niềm tự hào của người Hà Lan khi nói về đô thị của họ là: "thà có thêm nhiều thị trấn (con) còn hơn là để thành phố (mẹ) bùng nổ". Điều này thể hiện một ý thức khá rõ về hậu quả của tình trạng đô thị siêu lớn.

Để làm được điều đó, một quá trình chính sách "phi tập trung hóa" được hoạch định và thực hiện nghiêm túc. Có nghĩa là, các thị trấn ngoại ô được phát triển với chất lượng sống, dịch vụ, hạ tầng, cơ hội việc làm đến ngang tầm thành phố mẹ. Người dân đến sống tại các thị trấn mới được hưởng các ưu đãi về nhà ở, giáo dục, y tế… Thành phố mẹ được kiểm soát xây dựng chặt chẽ trong giới hạn đô thị. Khu vực vành đai xanh quanh thành phố mẹ có quy chế hạn chế phát triển ngặt nghèo đến nỗi các khu dân cư hiện hữu không thể mở rộng và nối dính vào nhau, chúng mãi chỉ là các xã biệt lập bao bọc bởi ruộng đồng.

Để làm được điều này không chỉ cần có sự hoạch định chính sách, mà hơn cả, là khả năng thực thi chính sách.

Cuộc sống chen chúc ngột ngạt trong nội thành Hà Nội. Ảnh: TL

Hà nội đã đánh mất cơ hội như thế nào?

Thị trường bất động sản luôn có xu hướng lái hình thái đô thị theo lợi nhuận ngắn hạn của nó. Trên lý thuyết, các trung tâm đô thị thường xuất hiện tại các vị trí thuận lợi thông thương, hoặc dễ phát triển công nghiệp, bởi việc làm là nguồn sống cho định cư đô thị. Nền kinh tế bất động sản đôi lúc lại vận động trái với quy luật đó. Trong các thời kỳ kinh tế tăng trưởng, các dự án “đô thị phòng ngủ” có thể phát triển mạnh theo mọi hướng quanh trung tâm. Hướng nào dễ chiếm đất nhất sẽ trở thành hướng mở rộng đô thị, bất kể điều này có hậu quả lâu dài gì.

Trường hợp Hà Nội giai đoạn 2000-2010 thể hiện rất rõ điều này. Nhà quy hoạch nhìn lên bản đồ Hà Nội, có thể hình dung ra một viễn cảnh dễ đạt được nhất, và cũng đáng ưu tiên nhất là biến nó thành một thành phố hai bên sông, với sức mạnh kinh tế của lõi phía Bắc làm đối trọng với lõi hiện có phía Nam sông Hồng. Phía Bắc sông Hồng là hành lang kinh tế nối các thành phố công nghiệp lớn với cửa biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Là nơi có nguồn nhân lực dồi dào và giàu kinh nghiệm hơn cả cho công nghiệp hóa. Là nơi dễ tiếp cận hơn với khoáng sản của Việt Trì, Thái Nguyên, Tây Bắc. Chuỗi đô thị Bắc sông Hồng nối thành vòng cung từ Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái là hành lang kinh tế đáng kể nhất của Bắc Bộ.

Chuỗi đó tụ về tâm là Hà Nội, ở vị trí Gia Lâm – Đông Anh. Không cần đi về Nam sông Hồng để tiếp cận Hà Nội cổ kính, lõi phía Bắc Hà Nội tương lai hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm vai trò đầu tầu thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế này. Trái lại, phía Tây Hà Nội, một vòng cung nông nghiệp được dãy núi Ba Vì bao bọc chỉ có thể đóng vai trò sân sau, nơi cung cấp nông sản cho Hà Nội. Hà Nội dựa lưng vào núi, hướng đó là tuyệt lộ.

Quay lại vấn đề cấu trúc đô thị nên mở rộng về phía Bắc hơn là về phía Tây. Để làm được điều này, cần một nỗ lực lớn, ngăn chặn toàn bộ nguồn đầu tư ở các hướng khác để dồn toàn lực lên phía Bắc Sông Hồng. Cũng lại tiếc thay, giai đoạn bùng nổ bất động sản đã kéo thành phố dịch chuyển đi 40km về phía Tây (và có thể tương đương 50 năm phát triển đô thị), nơi đất đai thuộc Tỉnh Hà Tây cũ dễ dãi hơn trong cấp phép dự án.

Vận hội phát triển kinh tế đều nằm phía Bắc sông Hồng, trong khi Hà Nội lại phát triển lùi về phía Tây Nam.

Đến nay Hà Nội vẫn lún sâu trong hình thái này, khi nguồn lực phát triển đô thị còn đang chưa lấy lại được đà. Kéo Hà Nội về hướng Tây tuyệt lộ giao thương, tạo ra những thị trấn phòng ngủ (mà người ta gọi là đô thị vệ tinh), gia tăng khoảng cách ở - việc làm, làm tụt hậu tiềm năng hình thành lõi động lực kinh tế phía Bắc, làm yếu đi hành lang kinh tế Lào Cai – Hải Phòng, đó toàn là hậu quả của việc thị trường bất động sản làm nhiễu loạn chính sách.

Các cây cầu không tham gia phát triển đô thị

Trị thủy sông Hồng sẽ đem lại không chỉ diện tích đô thị, mà còn dải không gian công cộng đủ lớn để làm trái tim mới cho thủ đô. Hình thái ấy có ở hàng trăm thành phố nổi tiếng, như Budapest, Saint Petersburg, Paris, London, Seoul, hay thậm chí Đà Nẵng. Các thành phố hai bên sông đều lấy việc trị thủy dòng sông làm tiên quyết, sau đó bắc các cầu qua sông sao cho có điểm tiếp đất không quá xa bờ sông phía kia, các cầu thường tụ chung vào một đường gom. Con đường gom đó sẽ là trục tạo thị, bước đầu tiên để thúc đẩy phát triển trung tâm đô thị mới.

Tiếc thay cho Hà Nội, các cầu qua sông Hồng chỉ trừ Long Biên và Chương Dương (còn lại như Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì dường như được chỉ đạo bởi các kỹ sư thay vì các kiến trúc sư) đã bay vọt đi quá xa khỏi bờ sông phía Bắc rồi mới tiếp đất. Như thể chúng sinh ra chỉ để đi thật nhanh đến Bắc Ninh, Lạng Sơn hay Nội Bài. Một sai lầm kỹ thuật cỏn con đã cướp đi của Gia Lâm, Đông Anh cơ hội trở thành trung tâm đô thị đối trọng với trung tâm truyền thống, đồng thời tạo những gánh nặng mới vào trung tâm Hà Nội cũ chật trội.

Khoảng cách điểm rơi của các cầu qua sông Hồng tới đường ven sông. Ghi chú: do chưa trị thủy sông Hồng, chưa có đường ven sông rõ ràng phía bờ Bắc. Cầu Thăng Long: đường lên cầu phía Nam cách đường ven sông 1,3km. Điểm tiếp đất phía Bắc cách bờ sông 1,7 km. Đường lên cầu phía Nam giao với đường ven sông. Điểm tiếp đất phía Bắc cách bờ sông 1,7 km. Cầu Long Biên và Chương Dương: cả hai bờ đều tiếp vào đường gom ven sông (trường hợp tối ưu). Cầu Vĩnh Tuy: Bờ Nam giao với đường ven sông, bờ Bắc cách bờ sông 1,7 km. Cầu Thanh Trì: Bờ Nam 1,6km; bờ Bắc 2,7 km.

Sông Hàn (Seoul) có hàng chục cây cầu bắc qua. Tất cả các cầu đều “tiếp đất” ở hai trục đường gom sát hai bên bờ sông. Cấu trúc thành phố quay mặt ra sông như vậy khiến con sông phục vụ đô thị như một lõi không gian mở hấp dẫn, trở thành linh hồn của đô thị.

Đến nay Hà Nội vẫn lún sâu trong hình thái này, khi nguồn lực phát triển đô thị còn đang chưa lấy lại được đà. Kéo Hà Nội về hướng tuyệt lộ giao thương, tạo ra những thị trấn phòng ngủ (mà người ta gọi là đô thị vệ tinh), gia tăng khoảng cách ở - việc làm, làm tụt hậu tiềm năng hình thành lõi động lực kinh tế phía Bắc, làm yếu đi hành lang kinh tế Lào Cai – Hải Phòng, đó toàn là hậu quả của việc thị trường bất động sản làm nhiễu loạn chính sách.

KTS. Nguyễn Xuân Anh

(Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ha-noi-phai-tien-ve-phia-bac-khong-phai-phia-tay-14312.html